Doanh nghiệp - Doanh nhân

Ngành Năng lượng giảm lương, cắt thưởng là ảnh hưởng lớn nhất bởi COVID-19

DNVN - Theo báo cáo “Nhân sự ngành Năng lượng: Cơ hội việc làm và Thách thức để thích nghi với yêu cầu tuyển dụng mới”, các yếu tố ảnh hưởng tới tuyển dụng nhân sự đó là giảm lương, không có thưởng là ảnh hưởng lớn nhất của COVID-19 tới các ứng viên. Có 61% ứng viên tham gia khảo sát cho biết sẽ nghỉ việc trong vòng từ 3 tháng – 9 tháng tới.

Văn phòng Tập đoàn máy bay Boeing tại Hà Nội sẽ hoạt động trong tháng 8 / Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gợi ý giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động khi dịch bệnh kéo dài

Navigos Search vừa phát hành báo cáo “Nhân sự ngành Năng lượng: Cơ hội việc làm và Thách thức để thích nghi với yêu cầu tuyển dụng mới”. Năng lượng là ngành công nghiệp mà Chính phủ đã định hướng trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, vấn đề nguồn nhân lực có chất lượng sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp này.

Các thách thức hiện tại của ứng viên trong ngành Năng lượng

Giảm lương, không có thưởng là ảnh hưởng lớn nhất của COVID-19 tới các ứng viên

Dữ liệu của khảo sát cho thấy, 35% các ứng viên tham gia khảo sát bị giảm lương, không có thưởng và cũng không có tháng lương thứ 13 trong năm 2020. Tiếp theo, 24% cho biết họ phải tăng giờ làm, tăng các khối lượng công việc của các bộ phận khác hoặc phải làm các công việc không đúng chuyên môn. COVID-19 cũng khiến việc thăng tiến bị chậm hoặc hoãn chiếm 18%.

“Bị sa thải” chiếm 3% ý kiến của ứng viên trong khảo sát này.

Cạnh tranh công việc với ứng viên người nước ngoài nằm trong Top 5 các khó khăn hiện tại của các ứng viên ngành Năng lượng

Đứng đầu trong các khó khăn mà ứng viên ngành này đang gặp phải là việc đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ phức tạp của dịch bệnh, với 92% ý kiến. Tiếp tục liên quan đến lương, thưởng, 45% ứng viên tham gia khảo sát cho biết lương, thưởng của họ giảm mạnh so với thời điểm trước COVID-19. Bên cạnh đó, 39% ứng viên thể hiện sự khó khăn khi phải làm việc xa nhà, 27% lo lắng trong việc bảo đảm giữ được công việc hiện tại và cuối cùng 25% cho biết họ cảm thấy khó khăn khi phải cạnh tranh công việc với các ứng viên người nước ngoài.

“Môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm” nằm trong Top 5 các thách thức của ứng viên ngành Năng lượng

Đứng đầu tiên trong các thách thức mà ứng viên ngành năng lượng đang gặp phải là “Các cơ hội thăng tiến chậm và ít” với 55% ý kiến. Tiếp theo, đáng chú ý là yếu tố “Đi lại nhiều, thường xuyên làm việc xa gia đình” có 51% đồng tình. Đứng thứ ba là yếu tố “Không có nhiều chính sách ưu đãi tại doanh nghiệp đang làm việc, bao gồm phúc lợi xã hội, lương thưởng, bảo hiểm dành cho gia đình…). Theo sau là yếu tố “môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm” với 46% ứng viên lựa chọn. Đứng cuối trong top 5 với 45% cho biết thách thức mà họ đang gặp đó chính là chế độ lương, thưởng và phúc lợi xã hội được đảm bảo và không bị cắt giảm.

Các yếu tố thu hút nhân tài dưới góc nhìn của ứng viên

Sự ổn định trong công việc, lương cao, phúc lợi xã hội tốt đang là các chính sách doanh nghiệp ngành năng lượng thực hiện để giữ chân nhân tài

Khi được hỏi doanh nghiệp của các ứng viên đang thực hiện các chính sách gì để thu hút nhân tài, dữ liệu cho thấy có 60% ứng viên lựa chọn câu trả lời về “Quy mô của dự án và mức độ ổn định của công việc”. Tiếp theo là “Lương cao” với 58% ứng viên cùng chọn yếu tố này. Đứng trong top 3 là yếu tố “Phúc lợi xã hội tốt” với 45% ý kiến đồng tình. Ngoài 3 yếu tố trên thì dưới góc nhìn của ứng viên, “Môi trường làm việc an toàn” và “Cơ hội học hỏi và tiếp cận công nghệ mới” được các ứng viên chọn với tỷ lệ lần lượt là 43% và 37%.

“Lương cao” đứng đầu trong danh sách các yếu tố giữ chân nhân tài ở góc nhìn của ứng viên

Với 65% các ứng viên lựa chọn “Lương cao” khiến yếu tố này đứng đầu trong danh sách các yếu tố giữ chân nhân tài theo góc nhìn của ứng viên. Đứng thứ hai với 52% ý kiến lựa chọn yếu tố “Quy mô dự án và mức độ ổn định của công việc”. Đứng thứ ba là yếu tố “Môi trường làm việc an toàn” với 50% ứng việc đồng tình.

Như vậy, qua dữ liệu chúng ta có thể thấy không có nhiều khoảng cách giữa cách mà doanh nghiệp đang làm với kỳ vọng của ứng viên. Các yếu tố về lương, phúc lợi xã hội, môi trường làm việc an toàn đang là những điều mà cả doanh nghiệp và ứng viên đang thực hiện và đáp ứng được mong muốn của ứng viên.

Các yếu tố lương, thưởng và phúc lợi xã hội vẫn là lý do lớn nhất khiến ứng viên rời tổ chức

Không có nhiều bất ngờ trong sự lựa chọn của ứng viên, khi có tới 79% các ứng viên cho biết họ sẽ rời khỏi tổ chức hiện tại nếu liên quan đến các yếu tố lương, thưởng và phúc lợi xã hội. Tiếp theo, 73% chọn yếu tố liên quan đến môi trường làm việc và đứng thứ ba là yếu tố liên quan đến cơ hội thăng tiến trong công việc.

Có 61% ứng viên tham gia khảo sát cho biết sẽ nghỉ việc trong vòng từ 3 tháng – 9 tháng tới

Dữ liệu của khảo sát cho thấy, có 61% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ có mong muốn chuyển việc. Cụ thể, 26% ứng viên muốn chuyển việc trong vòng 3 tháng tới, 19% mong muốn chuyển việc trong 6 tháng tới và 16% mong muốn chuyển việc trong 9 tháng tới. Những ứng viên tham gia khảo sát không mong muốn chuyển việc chiếm 19%.

Các kỳ vọng của ứng viên khi chuyển đổi công việc

Gần 83% ứng viên kỳ vọng sẽ được tăng lương khi chuyển sang tổ chức mới

“Lương thưởng cao hơn so với công ty hiện tại (từ 10%) trở lên” là kỳ vọng quan trọng nhất đối với 83% ứng viên tham gia khảo sát. Tiếp theo, cùng với tỷ lệ 50%, các ứng viên kỳ vọng sẽ được “chủ động xây dựng đội nhóm của mình ngay từ đầu” và kỳ vọng “muốn được làm việc trong môi trường nói tiếng Anh”. Đáng lưu ý, kỳ vọng “Làm việc trong môi trường ít độc hại hơn” cũng chiếm 31% ý kiến của các ứng viên. Khi kết nối các dữ liệu với nhau, bên cạnh các yếu tố tài chính như lương, thưởng và phúc lợi, thì yếu tố môi trường làm việc cũng đóng vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc gắn bó hay rời đi của người lao động trong ngành Năng lượng.

Các ứng viên ưu tiên phát triển các kỹ năng trong công việc trong “thời kỳ bình thường mới”

Các ứng viên trong ngành năng lượng thể hiện sự nhất quán về việc lựa chọn ưu tiên phát triển các kỹ năng liên quan đến công việc trong thời kỳ “bình thường mới” nhằm phát triển sự nghiệp trong tương lai. Khi nguyện vọng của họ chủ yếu liên quan đến việc “được đào tạo các kỹ năng mới” thì cá nhân họ cũng thể hiện các ưu tiên của mình liên quan đến việc học hỏi các kỹ năng này. 69% cho biết sẽ “ưu tiên phát triển các kỹ năng chuyên môn cao hơn”. 55% “ưu tiên phát triển kỹ năng tự học mọi lúc mọi nơi”. 52% thể hiện “ưu tiên phát triển các kỹ năng lãnh đạo”. Ngoài việc đặt ưu tiên liên quan đến các kỹ năng trong công việc thì cũng có 56% ý kiến ứng viên lựa chọn việc “ưu tiên việc cân bằng công việc và gia đình”.

64% ý kiến ứng viên không lạc quan trước các cơ hội việc làm mới trong những tháng cuối năm

Nhận định trên được thể hiện khi các ứng viên được hỏi về triển vọng nghề nghiệp trong những tháng cuối năm 2021. Chi tiết thể hiện qua 27% ứng viên đánh giá “Ít cơ hội việc làm hơn so với những năm trước”. 19% đánh giá “Cơ hội việc làm nhiều nhưng địa điểm làm việc xa nhà nên không hấp dẫn”. 18% cho biết “Cơ hội việc làm nhiều nhưng sự cạnh tranh với các ứng viên nước ngoài cao”. Bên cạnh đó, vẫn có 21% ứng viên chia sẻ “Cơ hội việc làm nhiều nên có nhiều sự lựa chọn”.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm