Đà Nẵng: Mùa cạn 2023 rất khó khăn về nguồn nước
Du khách đến Đà Nẵng tăng cao hơn dự kiến / Quảng bá du lịch Đà Nẵng tại hội chợ lớn nhất Ấn Độ
Hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, gay gắt hơn
Cụ thể, bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm (từ tháng 1 đến 12/2023) của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Từ tháng 4 - 6/2023, tổng lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến thấp hơn từ 5 - 10% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 7 - 9/2023, lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam có xu hướng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ.
TS Lê Hùng khảo sát thực trạng các nguồn cung cấp nước cho TP Đà Nẵng trước dự báo mùa cạn 2023 sẽ rất khó khăn
Do đó dẫn đến trong mùa cạn 2023 sẽ xảy ra tình trạng xâm nhập mặn lên đến Tứ Câu tại một số thời điểm. Cụ thể, số liệu quan trắc độ mặn nước sông tại cầu Tứ Câu ngày 5/2/2023 là 6,2‰, ngày 16/2/2023 là 6,5‰ cho thấy hạn hán, xâm nhập mặn năm nay đã xuất hiện sớm, gay gắt hơn. “Mùa cạn 2023 sẽ rất khó khăn về nguồn nước đối với khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam nếu không kịp thời có các giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ”, TS Lê Hùng nhận định.
Trước tình hình này, Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết việc lên phương án sẵn sàng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng mùa cạn 2023 được đặc biệt quan tâm. Để đánh giá tình hình và xây dựng phương án cụ thể, ngày 21/2 vừa qua Sở TN&MT Đà Nẵng đã phối hợp với Sở NN-PTNT có chuyến khảo sát thực địa đầu tiên trong năm 2023 tại khu vực sông Quảng Huế và hệ thống thuỷ lợi An Trạch.
Cùng với đó, Sở TN&MT Đà Nẵng đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và tham vấn ý kiến chuyên gia đối với một số nội dung quan trọng như: việc kiểm kê, đánh giá nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đặc biệt là rà soát, tổng hợp các nguy cơ có thể xảy ra dẫn đến thiếu nguồn nước thô.
Bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn; bất cập trong việc vận hành của các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; công tác phối hợp vận hành đập dâng An Trạch; hoạt động của Trạm bơm phòng mặn An Trạch; công trình nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê cần sớm đưa vào vận hành.
Chuyên gia kiến nghị giải pháp
Theo TS Lê Hùng, mùa hè 2023 với vụ hè thu cũng trùng với mùa cao điểm du lịch của Đà Nẵng nên nhu cầu nước cho các mục tiêu đảm bảo đời sống và phát triển kinh tế trên địa bàn là rất lớn. Đây là một thách thức không nhỏ khi năm nay dòng chảy cơ bản về các hồ thủy điện, thủy lợi không cao.
Thế nhưng trong 3 tuần qua, các hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương đã xả nước phát điện với lưu lượng lớn. Đến thời điểm này tuy các hồ chứa vẫn nằm trong vùng đảm bảo mực nước min và max của Quy trình liên hồ, nhưng tổng lượng nước xả trong 3 tuần qua là tương đối lớn. Điều đó có thể sẽ dẫn đến từ giữa tháng 3 trở đi, khi dòng chảy cơ bản bắt đầu thấp thì các thủy điện sẽ không đủ nguồn nước để phát liên tục như thời gian qua nhằm đẩy mặn.
“Với tình hình dòng chảy hiện nay cũng như kết hợp với mực nước biển dâng (trong 30 năm qua mực nước triều gia tăng tại Đà Nẵng khoảng 0.1m), thì tại Cầu Đỏ sẽ sớm xuất hiện xâm nhập mặn. Dự báo khoảng sau ngày 15/3 các hồ sẽ không đủ lượng nước phát liên tục như 3 tuần vừa qua để tại Tứ Câu hay Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn. Khi đó để có nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng thì buộc phải bơm nước từ An Trạch về”, TS Lê Hùng nhấn mạnh.
Ông đề nghị TP Đà Nẵng cần chuẩn bị các máy bơm tại An Trạch (bơm chính và dư phòng) ở trạng thái tốt nhất, luôn sẵn sàng để khi độ mặn tại Cầu Đỏ vượt ngưỡng thì các máy bơm này hoạt động được ngay. Đồng thời sớm đưa nhà máy nước Hòa Liên vào vận hành vì hiện tại các trạm bơm ở An Trạch vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu nước cho TP Đà Nẵng.
TS Lê Hùng cũng kiến nghị giám sát chặt chẽ 2 hồ thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 đảm bảo phát điện liên tục (tránh trường hợp chỉ phát điện vào giờ cao điểm mỗi ngày). Đồng thời theo dõi, giám sát hệ thống trạm bơm An Trạch – Bàu Nít để luôn tạo ra mực nước cân bằng. Đối với khu vực Quảng Huế thì theo dõi, quan sát để khi cần thiết có thể triển khai ngay việc đắp đập với cao trình khoảng từ 2.6 - 2.8m nhằm đáp ứng tỷ phân lưu về Vu Gia Thu Bồn.
“Về lâu dài, tuy Đà Nẵng có thêm nhà máy nước Hòa Liên nhưng công suất chỉ 120000 m3/ngày đêm thì nguồn cấp nước cho TP vẫn từ dòng Vu Gia là chính. Do đó cần sớm hoàn thành tuyến ống nước thô D1200 để sẵn sàng cho việc lấy nước tại An Trạch trong tương lai. Với lượng nước cần chỉ khoảng 3 - 3.5 m3/s trên sông Vu Gia cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ thì có thể khẳng định lượng nước hiện tại sẽ luôn đảm bảo đáp ứng cho TP Đà Nẵng”, TS Lê Hùng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo