Môi trường

Đà Nẵng: Nguy cơ cháy rừng, xâm nhập mặn tăng cao

DNVN - Chiều 4/4, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã phát bản tin cảnh báo cháy rừng số 1 năm 2023 cho biết, hiện trên địa bàn TP đã có hơn 15 ngày khô hạn liên tục không mưa, nguy cơ xảy ra cháy rừng từ nay đến hết ngày 6/4/2023 báo động cấp III (nguy cơ cháy rừng cao).

Đà Nẵng: Mùa cạn 2023 rất khó khăn về nguồn nước / Đà Nẵng – Quảng Nam: Hạn hán, xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp

Do vậy, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện, phường, xã chỉ đạo theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp PCCC rừng; cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì. Đồng thời yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng thông tin dự báo cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư khu vực có rừng; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; báo cáo kịp thời tình hình cháy rừng về UBND quận, huyện và Chi cục Kiểm lâm.

Hơn 15 ngày qua Đà Nẵng không có mưa nên nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao

Hơn 15 ngày qua Đà Nẵng không có mưa nên nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao

Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cũng yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định về PCCC rừng; phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cùng chiều 4/4, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ (nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho Đà Nẵng) đã bắt đầu tăng lên gần 300mg/l (mức nước mặt) và khoảng 600mg/l (mức nước sâu). Theo quy định của Bộ Y tế, độ mặn cho phép trong nước sinh hoạt, ăn uống ở khu vực bình thường là 250mg/l trở xuống; riêng khu vực ven biển và hải đảo là 300mg/l trở xuống.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi – thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cũng ghi nhận độ mặn tại Cầu Đỏ bắt đầu tăng lên trong gần 2 ngày qua. Trong khi đó, dòng chảy cơ bản trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn không quá lớn, mực nước hiện tại của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam đang ở ngưỡng thấp so với quy định của Quy trình vận hành liên hồ 1865/QĐ-TTg.

“Với tình hình này, độ mặn tại Cầu Đỏ sẽ sớm vượt qua giới hạn cho phép 300 mg/; trễ nhất là Chủ nhật tuần này hoặc thứ 2 tuần sau, độ mặn tại Cầu Đỏ sẽ gia tăng và vượt ngưỡng độ mặn cho phép”, TS Lê Hùng nhận định. Đồng thời ông lo lắng với việc Quảng Nam đã có kế hoạch triển khai thi công đập tạm ngăn mặn tại Tứ Câu.

Theo TS Lê Hùng, khi đập tạm Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện hoàn thành thì sẽ không còn lượng nước từ sông Thu Bồn chảy qua Vĩnh Điện về sông Hàn để cùng với dòng chảy Vu Gia đẩy mặn. Lúc đó chắc chắn độ mặn tai Cầu Đỏ sẽ tăng cao. Trong khi đó vụ Đông Xuân cũng đã gần kết thúc, nên TS Lê Hùng cho rằng việc thi công đập tạm ngăn mặn tại Tứ Câu là quá sớm và sẽ khiến tình hình nhiễm mặn tại Đà Nẵng thêm gay gắt.

“Cần điều tiết các hồ thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam và sử dụng nước một cách hợp lý để vừa đủ đây mặn trên sông Vĩnh Điện trong thời gian còn lại của vụ Đông Xuân. Nếu thi công đập Tứ Câu thì chỉ nên hoàn thành trước vụ hè thu khoảng 1 - 2 ngày (vụ hè thu bắt đầu khoảng 10 – 15/5) sẽ hợp lý hơn, vì đắp đập này sớm quá sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn tại Cầu Đỏ”, TS Lê Hùng kiến nghị.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm