Đà Nẵng yêu cầu các hồ thủy điện lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tuân thủ quy trình vận hành
Biệt thự nghỉ dưỡng: Xu hướng chia sẻ doanh thu dần thay thế chia sẻ lợi nhuận / Đà Nẵng – Quảng Nam: Hạn hán, xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp
Vì sao các hồ hạ mực nước xuống dưới quy định?
Cụ thể, qua theo dõi, giám sát thông tin, số liệu vận hành các hồ của các đơn vị quản lý, vận hành cung cấp, Sở TN&MT Đà Nẵng nhận thấy những ngày gần đây, một số hồ xả nước phát điện quá lớn đã làm cho mực nước các hồ A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Bung 2 thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Quy trình 1865.
Số liệu cập nhật đến 13h ngày 28/3/2023 cho thấy như bảng dưới đây:
Trong khi đó, Bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm (từ tháng 1 đến 12/2023) của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Từ tháng 4 - 6, tổng lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến thấp hơn 5 - 10% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 - 9, lượng mưa khu vực này cũng có xu hướng thấp hơn so với trung bình cùng thời kỳ.
“Thông tin, số liệu dự báo như trên cộng với việc các hồ vận hành không theo Quy trình 1865 có nguy cơ gây cạn kiệt hồ chứa, không bảo đảm cấp nước an toàn cho hạ du đến cuối mùa cạn, đặc biệt có khả năng gây ra thiếu nước sinh hoạt nếu xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn”, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Tương tự, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi – thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã trực tiếp vẽ biểu đồ cho thấy rõ mực nước hiện tại của các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 2 và Sông Bung 4 đều đang nằm dưới mực nước giới hạn được quy định trong Quy trình vận hành liên hồ 1865.
“Lý do vì sao 4 hồ A Vương, sông Bung 2, sông Bung 4 và Đăk Mi 4 phải đưa mực nước xuống dưới mực nước giới hạn của Quy trình 1865, trong khi thời điểm này chưa phải là cao điểm dùng nước của mùa hè? Còn cả vụ hè thu phía trước, rồi sắp đến xâm nhập mặn tại Cầu Đỏ thì các hồ nằm trong vùng này (là vùng bắt buộc phải xả giới hạn) lấy nước ở đâu để phát giảm mặn và cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân TP Đà Nẵng?”, TS Lê Hùng chất vấn.
Sở TN&MT Đà Nẵng yêu cầu đơn vị quản lý các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tuân thủ đúng Quy trình vận hành liên hồ 1865.
Trước tình hình này, để bảo đảm cấp nước an toàn cho hạ du từ nay đến cuối mùa cạn năm 2023, tại Công văn mới đây, Sở TN&MT Đà Nẵng tiếp tục yêu cầu đơn vị quản lýcác hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành hồ chứa theo đúng quy định. Điều chỉnh lưu lượng xả, thời gian xả phù hợp nhằm đưa dần mực nước hồ về khoảng mực nước quy định tại Quy trình 1865. Việc điều chỉnh chế độ vận hành (lưu lượng, thời gian) xả nước xuống hạ du của các hồ được thực hiện cho đến khi mực nước hồ không thấp hơn khoảng mực nước quy định của Quy trình 1865.
Đồng thời theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo; thực hiện tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Quy trình 1865. Lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ chứa; truyền dữ liệu về UBND và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng theo đúng quy định.
Sở TN&MT Đà Nẵng cũng yêu cầu chủ quản các hồ thủy điện nêu trên tổ chức vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả đúng quy định; bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn, đầu mùa lũ; chỉ được chào bán điện năng lên thị trường điện theo yêu cầu về thời gian, lưu lượng xả phù hợp với quy định của Quy trình 1865.
Trong trường hợp bất khả kháng, phải đề xuất phương án, báo cáo thêm với UBND TP Đà Nẵng để thống nhất phương án điều tiết nước cho hạ du nếu xảy ra sự cố mà không thể vận hành hồ theo quy định của Quy trình 1865 (đối với các hồ A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Đắk Mi 4, Sông Côn 2 bậc 1 và Sông Côn 2 bậc 2).
End of content
Không có tin nào tiếp theo