Môi trường

Tiêu chí ESG vẫn là khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp

DNVN - Ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

ESG là cơ hội, không phải mối đe dọa với doanh nghiệp / Chung kết Vietnam ESG Challenge 2023 diễn ra đầy gay cấn, kịch tính

Chia sẻ tại tọa đàm “Hướng tới một tương lai bền vững: Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam - Hàn Quốc” ngày 25/9, ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, đối diện với nhiều vấn đề môi trường và xã hội nổi cộm, Chính phủ các nước đã và đang tập trung chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững, vừa theo đuổi giá trị kinh tế vừa bảo đảm các cam kết vì lợi ích cộng đồng.

Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư và áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc NHNN chia sẻ tại tọa đàm.

Tính đến cuối năm 2023, 100% các ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 17 ngân hàng thương mại có bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Các tổ chức tín dụng cũng quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xanh hóa ngân hàng thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hướng dẫn nội bộ về môi trường làm việc xanh; tích cực tham gia hỗ trợ các dự án cộng đồng về môi trường.

Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy quá trình “xanh hóa” hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng.

Qua đó, điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

“Hành lang pháp lý cho ESG đang trong quá trình hoàn thiện. ESG đối với nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng vẫn là khái niệm mới. Nhận thức hạn chế về ESG vẫn là cản trở cho tầm nhìn chiến lược, làm chậm quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững”, ông Dũng nhận định.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm