Hỗ trợ doanh nghiệp

Các quy định về ESG đang 'nóng', doanh nghiệp thờ ơ sẽ khó đi ra thị trường quốc tế

DNVN - Trong hai năm qua, thông tin về các quy định, chính sách liên quan đến thực hành môi trường, xã hội, quản trị (ESG) trở thành chủ đề "nóng" hơn bao giờ hết. Nếu doanh nghiệp chậm chân, bàng quan với ESG thì việc "bơi" ra khu vực, chưa nói đến quốc tế là điều khó khăn.

Đà Nẵng: Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics nông sản / Tiền Giang mong muốn báo chí làm cầu nối thông tin đến nhà đầu tư

"Nóng" các quy định về ESG

Xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Giới chuyên gia nhận định, một doanh nghiệp (DN) thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị DN (ESG).

Tại toạ đàm "Xây lợi thế - Vững tương lai cùng "Sáng kiến ESG Việt Nam 2024" ngày 21/3 tại Hà Nội, ông Trevor Hublin - Phó giám đốc Phòng Quản trị nhà nước và Tăng trưởng kinh tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, định nghĩa về một DN thành công đang có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn.

Tác động của ESG vượt ra ngoài khuôn khổ các chỉ số tài chính. Thông qua đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ hơn, ESG đóng vai trò là chất xúc tác giúp DN giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi và giành được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn tài nguyên.


Cộng đồng DN đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong hành trình chuyển đổi xanh.

Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng DN cũng đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Trong bối cảnh này, DN Việt Nam cẩn phải nắm bắt các nguyên tắc ESG và ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, DN chủ động sẽ có lợi thế, DN "chậm chân" thì rủi ro ngày càng gia tăng.

"Đây là thông điệp rất quan trọng với các DN Việt Nam. Trong hai năm qua, thông tin về các quy định, chính sách liên quan đến ESG trở nên rất "nóng", bà Thuỷ đánh giá.

Thống kê cho thấy, nhiều quốc gia là đối tác giao thương quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững, thực hành ESG. Số lượng chính sách liên quan đến ESG ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần kể từ năm 2016.

Nếu DN Việt Nam bàng quan thì việc "bơi" ra khu vực, chưa nói đến quốc tế ở môi trường rộng hơn là không tưởng. Nếu DN không cập nhật những quy định này thì cơ hội đóng lại ngay trước mắt.

Với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, rất nhiều ngành hàng phát thải cao của Việt Nam đã phải bắt đầu báo cáo với châu Âu và trong 3 năm tới sẽ là câu chuyện áp dụng cơ chế thuế carbon trong khuôn khổ CBAM này.

Điều này có nghĩa các DN hiện đang xuất khẩu sang châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm ngang bằng với những DN sản xuất tại châu Âu. Nếu không tự hạ mức phát thải xuống thì sẽ phải gánh chịu khoản thuế tương đối lớn. Điều này gia tăng áp lực lên DN khi những quy định này trở nên bắt buộc.

Châu Âu cũng đưa ra quy định chống mất rừng tự nhiên EUDR. Quy định này ảnh hưởng tương đối lớn, thậm chí là nghiêm trọng đến những ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, gồm gỗ, cao su, cà phê.

Trong khi đó, Dự luật Cạnh tranh sạch của Mỹ khi được thông qua cũng sẽ tác động lớn đến DN, nhiều DN chịu tác động hơn so với CBAM. Điều đáng nói Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, những quy định bắt buộc chưa diễn ra, nhưng tín hiệu từ các nhà mua đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm đến các yếu tố có tính bền vững và thực hành ESG trong các DN Việt Nam ngày càng gia tăng.

Họ liên tục hỏi, gia tăng trao đổi về ESG. Bắt đầu có một số chuỗi yêu cầu những dòng báo cáo phải tích hợp các thông tin liên quan đến ESG trong quá trình cung ứng hàng sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Trước xu hướng này, nếu DN Việt Nam không có sự chuyển động, không có thực hành về ESG phù hợp với diễn biến về chính sách của quốc tế và trong nước thì DN sẽ bị đóng cửa trước rất nhiều cơ hội", Giám đốc Văn phòng Ban IV nhấn mạnh.

Đón đầu cơ hội

Với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho DN và góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt nam giai đoạn 2021 - 2030, Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố Sáng kiến ESG Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng DN nhỏ và vừa, Cục Phát triển DN, cho biết, năm nay là năm thứ hai chương trình được tổ chức. Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 khuyến khích cộng đồng DN gắn kết chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các DN tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nâng cao uy tín và thu hút sự quan tâm từ khách hàng, đối tác, và các bên liên quan trong quá trình quyết định đầu tư và đồng hành cùng DN.

Với chủ đề “Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh”, chương trình năm nay khuyến khích các DN Việt Nam tích cực nắm bắt các cơ hội thị trường mới, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Top 10 DN vào vòng chung kết sẽ được đào tạo, tư vấn 1-1 nhằm xây dựng lộ trình triển khai ESG và thiết lập báo cáo phát triển bền vững. Đặc biệt, 3 DN giành chiến thắng chung cuộc sẽ nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng từ Cục Phát triển DN và USAID để thí điểm, triển khai..

Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), một trong những DN tham gia "Sáng kiến ESG Việt Nam 2023" khuyến nghị, thay vì tập trung bán hàng, các DN nên quan tâm nhiều hơn đến ESG. Vinasamex đã nhận được rất nhiều giá trị từ chương trình, trong đó đáng chú ý là DN tiếp cận được các thị trường khó tính và giá trị của DN được tăng lên.


Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm