Nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam gia tăng
Kêu gọi doanh nghiệp tham gia bảo vệ động vật hoang dã / Trên 4000 bạn trẻ gia nhập mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã
Trong vài thập kỷ qua, nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Với đường biên giới tiếp giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc – điểm tiêu thụ ĐVHD lớn nhất thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, tiêu thụ, trung chuyển các loài ĐVHD quan trọng.
Theo “Nghiên cứu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê ở Việt Nam” do USAID thực hiện năm 2018, khoảng 50% người mua và sử dụng các sản phẩm từ sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê nhận thức không đày đủ về các điều luât và các hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp này.
Chiến dịch truyền thông “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp”.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp, Bộ NN&PTNN cho biết, chiến dịch truyền thông “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp” đã thể hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã được triển khai xuyên suốt 2020-2021. Bên cạnh đó cũng truyền tải các thông điệp kiên quyết đấu tranh với tội phạm xâm hại ĐVHD và đích hướng tới là thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Cũng tại sự kiện, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USDAID tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam phòng, chống tội phạm về buôn bán ĐVHD trái pháp luật và chấm dứt nhu cầu sử dụng đối với các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp. Thông qua các hoạt động truyền thông đa dạng và có chiều sâu, chúng tôi tin tưởng người dân sẽ thay đổi nhận thức và dần loại bỏ sự việc sử dụng ĐVHD trái pháp luật”.
Chiến dịch “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp” sẽ diễn ra xuyên suốt trong năm 2020 – 2021 để nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như giảm thiểu việc tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật.
Trong giai đoạn đầu, chiến dịch sẽ tập trung truyền tải các thông điệp cụ thể và quyết liệt như: “Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã: Phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng”, “Đừng biến chuyến du lịch thành hành trình phạm pháp” nhằm nhấn mạnh vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ ĐVHD trái phép.
Giai đoạn tiếp theo của chiến dịch sẽ tập trung truyền thông thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD với các niềm tin vô căn cứ. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên tại Việt Nam, chiến dịch truyền thông sẽ truyền tải các thông điệp cốt lõi liên quan đến cả động cơ sử dụng ĐVHD vì mục đích trị bệnh cũng như niềm tin tâm linh: “Mua một ngà voi nhận một nghiệp báo”, "Hãy lựa chọn sáng suốt cho một cơ thể khỏe mạnh"; "Dùng sừng tê giác để chữa bệnh nan y là niềm tin vô căn cứ"... Các hoạt động truyền thông cũng sẽ được phối hợp với các trường đại học y, dược, các phòng khám đông y để giảm thiểu việc sử dụng ĐVHD trong khối y học cổ truyền.
Với việc thực hiện chiến dịch này, USDID và Chính phủ Việt Nam sẽ phối hợp thúc đẩy việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, góp phần bảo vệ ĐVHD và đa dạng hóa sinh học toàn cầu.
Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loại động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ được Công ty Tetra Tech thực hiện phối hợp với các Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ NN&PTNN. Dự án sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để thực hiện các mục tiêu giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về dộng vật hoang dã, và cải thiện, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo