Tin tức - Sự kiện

Nâng cao vai trò của cấp ủy đối với công tác cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước

DNVN - Một trong những kiến nghị đáng chú ý về giải pháp công tác cán bộ tại doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn tới là cần nghiên cứu, đánh giá và xem xét quan điểm “…không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong DN nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp” trong quy định số 69 của Ban Bí thư ngày 13/2/2017.

An Giang: Số người khỏi bệnh trong ngày cao gấp đôi số ca nhiễm mới / Cần Thơ: Thành lập 4 đoàn kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu kết luận hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp" diễn ra sáng 4/12, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, bên cạnh nhiều kết quả đạt được trong công tác cán bộ thời gian qua, nội dung của các tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Trong quá trình thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, vẫn còn có sự thiếu đồng bộ giữa văn bản pháp luật của Nhà nước với các quy chế, quy định của Đảng. Ngoài ra, trong các cơ chế, chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự đầy đủ, chưa cụ thể và bao quát hết các trường hợp cần quy định liên quan tới công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các DNNN.
Về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt; mặc định các vị trí chủ chốt phải là Đảng viên. Từ đó hạn chế nguồn cán bộ, thiếu linh hoạt. Còn một số vướng mắc trong quy định về quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy định về quy hoạch tương đương đối với cán bộ đến từ các cơ quan, ban ngành khác nhau. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn chưa phù hợp khi bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại; tài liệu, khung chương trình chưa được quan tâm để chuẩn hóa.
Công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Các quy định hiện hành chưa thực sự khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm vì còn có những ràng buộc trách nhiệm đối với từng việc cụ thể mặc dù vẫn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, các bài tham luận và các ý kiến phát biểu đã kiến nghị một số giải pháp để triển khai một cách có hiệu quả, kịp thời công tác cán bộ trong giai đoạn tới.
"Đặc biệt như đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá và xem xét quan điểm “…không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp” trong quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 13/2/2017. Đây là một vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc tháo gỡ cơ chế trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự có chất lượng cao vào vị trí chủ chốt của DNNN", ông Phong nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng kiến nghị nâng cao vai trò của cấp ủy đối với công tác cán bộ trong DNNN. Dẩy mạnh thí điểm cơ chế trong công tác tuyển dụng, cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, tuyển cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước kèm theo phương án kinh doanh…
Ngoài ra, kiến nghị đổi mới trong công tác quy hoạch cán bộ, cần hướng tới những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, khắc phục tính hình thức, dễ dãi… Tăng cường và đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ DNNN một cách thực chất và phù hợp với nhu cầu công việc của doanh nghiệp cũng đã được các đại biểu nêu ra.
Đánh giá cao các ý kiến tham luận và thảo luận tại hội thảo, ông Phong cho rằng, các ý kiến có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sáng tỏ thực trạng công tác cán bộ, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tại DNNN hiện nay. Đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện công tác cán bộ tại các DNNN.
Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, DNNN, chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được tập hợp và báo cáo Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương. Đồng thời, sẽ được Tổ biên tập Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị DNNN phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm