Tin tức - Sự kiện

Ngày 25/3, dự kiến thêm 1,37 triệu liều vaccine AstraZeneca về đến Việt Nam

Đây là những lô vaccine đầu tiên từ nguồn của Chương trình COVAX Facility.

60 triệu liều Vaccine COVID-19 sẽ có lịch trình cung ứng như thế nào? / Đà Nẵng: Khen thưởng lực lượng Biên phòng phá vụ án buôn lậu lớn qua cảng Tiên Sa

Ảnh: TTXVN.

Ảnh: TTXVN.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 vào chiều 12/3, phân tích chính sách "hộ chiếu vaccine" của một số nước, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT… hoàn thiện, sẵn sàng giải pháp và hệ thống kỹ thuật vào khoảng tháng 4/2021, căn cứ vào đánh giá mức độ an toàn của từng loại vaccine phòng COVID-19, từng nước để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ mục tiêu kép trong nước nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Liên quan đến việc quản lý đi lại, khai báo y tế của người dân, vận chuyển hàng hóa... tại một số điểm có dịch chưa thống nhất trước đây đã dẫn đến tình trạng ách tắc cục bộ, Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn thống nhất, thiết lập hệ thống công nghệ quản lý chặt chẽ người có nguy cơ lây nhiễm. Giải pháp này nhằm đảm bảo kiểm soát dịch bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ" hay kỳ thị trong xã hội.

Cùng với đó, các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu của Ban Chỉ đạo đối với Bộ Y tế trong việc khẩn trương chỉ đạo, rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2; có báo cáo về các trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng khi ra nước ngoài lại có kết quả dương tính với virus trong thời gian qua...

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin về việc đàm phán, nhập khẩu và mua vaccine AstraZeneca. Dự kiến, ngày 25/3, những lô vaccine đầu tiên từ nguồn của Chương trình COVAX Facility (khoảng 1,37 triệu liều vaccine AstraZeneca) sẽ về đến Việt Nam. Trước đó, Chương trình COVAX Facility cam kết hỗ trợ 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam theo từng đợt trong năm 2021.

 

Cùng với đó, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác trên thế giới như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V)… để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng để triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Đồng thời, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vaccine sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, đến thời điểm này đã tiêm cho hơn 1.700 cán bộ nhân viên y tế và người dân tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại 10 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 410 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm như: sưng đỏ, sốt sau tiêm và 11 trường hợp có phản ứng nặng: khó thở, nổi mề đay, ngứa, phù mạch. Đây là những phản ứng đã được nhà sản xuất cảnh báo từ trước.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm