Người lao động thấp thỏm chờ thưởng Tết
Đà Nẵng: Hơn 8,6 tỷ đồng trang trí hoa phục vụ Tết Nguyên đán / Ngày 14/1: Thêm 16.040 ca mắc COVID-19 mới; Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Phú Yên có số ca tăng cao nhất trong vòng 24h
Chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết, thế nhưng công ty chị Nguyễn Thị Thủy (Nam Sách, Hải Dương) làm việc vẫn đang "im hơi lặng tiếng" về khoản thưởng Tết khiến người lao động không hỏi hồi hộp chờ đợi.
Làm may tại một doanh nghiệp nhỏ tại địa phương, chị Thủy cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tháng liền chị phải làm việc luân phiên, thu nhập giảm mạnh. Nếu như những năm trước, giáp Tết chị Thủy thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ để kịp tiến độ của đơn hàng, thì năm nay công việc cũng không quá bận rộn. Cận Tết, dù mong ngóng thông báo về thưởng Tết, song chị Thủy cũng dự đoán, nếu có, mức thưởng năm nay cũng sẽ giảm mạnh so với năm trước.
"Đi làm ai cũng mong nhận được thưởng Tết, vừa là nguồn tiền để chi tiêu ngày Tết, và cũng là phần quà động viên tinh thần làm việc. Nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, cũng khó hy vọng sẽ có mức lương tháng thứ 13 như những năm trước, lúc này có việc làm ổn định đã là may mắn", chị Thủy nói.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội), nhân viên phòng nhân sự một công ty chuyên kinh doanh đèn chiếu sáng led, thiết bị bộ đàm cầm tay cũng đang thấp thỏm chờ thưởng Tết: "Dù chưa có thông báo chính thức, song lãnh đạo công ty cũng cho biết năm nay sẽ không có lương tháng 13 trọn vẹn, thưởng Tết nếu có cũng chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính. Ngoài ra, lương tháng 1 dự kiến cũng chỉ trả 50% trước Tết".
Chị Nguyễn Thu Hằng cho biết, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp gần như kiệt quệ. Trong suốt năm 2021 nhiều tháng liền nhân viên phải nghỉ việc không lương, doanh số giảm trầm trọng, gần như không có các dự án mới, mọi hoạt động chi tiêu đều phải hạn chế. Dù lương cơ bản không giảm, song thu nhập của người lao động vẫn giảm mạnh. Nếu sang đầu năm tới, tình hình kinh doanh không có nhiều thời sắc, người lao động cũng khó trụ lại với mức lương hiện tại.
Trong khi đó, anh Phạm Việt Anh (Long Biên, Hà Nội), nhân viên một công ty chuyên phân phối các thiết bị linh kiện máy tính và thiết bị gia dụng lại phấn khởi chia sẻ, trong năm qua, dịch bệnh khiến mọi hoạt động từ học tập đến làm việc đều chuyển sang môi trường online, do đó doanh thu mặt hàng laptop, webcame của công ty tăng đột biến. Thưởng Tết Nguyên đán năm 2022 theo đó cũng dự kiến tăng cao, bao gồm lương tháng thứ 13 và thưởng theo doanh số.
Doanh nghiệp nỗ lực lo thưởng Tết cho người lao động
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nhân sự của một công ty cho biết, công ty dự kiến vẫn sẽ giữ nguyên mức lương tháng thứ 13 cho người lao động, ngoài ra việc thưởng thêm sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cụ thể. Dự kiến mức thưởng không thể tăng nhưng cũng sẽ cố gắng không giảm, giữ ổn định so với năm ngoái, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Nói về vấn đề thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân nhận định, năm nay, việc làm và thu nhập của người lao động sụt giảm mạnh so với những năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhìn chung, bức tranh thưởng Tết cũng sẽ giảm song các doanh nghiệp còn hoạt động vẫn sẽ có các khoản hỗ trợ để động viên người lao động.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Theo ông Phạm Minh Huân, một số lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ vận tải hành khách... Bên cạnh đó, các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử thì lương, thưởng Tết vẫn sẽ khả quan.
Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm nay hầu hết các doanh nghiệp vẫn phối hợp với công đoàn để đảm bảo lương thưởng Tết cho người lao động. Song cũng có một số doanh nghiệp khó khăn nên mức lương thưởng chưa đáp ứng được mong muốn của người lao động, dẫn đến tình trạng người lao động ngừng việc.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình sản xuất kinh doanh, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, người lao động nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Mặt khác, chính các doanh nghiệp cũng cần coi khoản lương thưởng Tết là khoản tiền hết sức quan trọng, chủ doanh nghiệp cần chia sẻ người người lao động, chấp nhận ít lợi nhuận hơn hoặc không có lợi nhuận trước mắt để đảm bảo chăm lo đời sống cho người lao động. Đây cũng là động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo