Tin tức - Sự kiện

Những chính sách có hiệu lực từ 1/7/2020 tác động trực tiếp đến giáo viên, học sinh, sinh viên

Khi Luật giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, học sinh, sinh viên sư phạm và đặc biệt là các giáo viên sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

TP.HCM dừng nhiều tuyến xe bus từ 1/7 / Cảnh báo gia tăng bệnh sốt mò trong mùa Hè

Ra trường 2 năm không công tác trong ngành Giáo dục, sinh viên sư phạm phải hoàn tiền học phí, sinh hoạt phí

Từ ngày 1/7, học sinh, sinh viên sư phạm sẽ phải hoàn trả lại học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định.

Đây là một trong những điểm mới của Luật giáo dục 2019. Trước đó, chính sách sinh viên sư phạm không phải nộp học phí được quy định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998 và Điều 89 của Luật Giáo dục 2005: "Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí".

Quy định này đã có thay đổi tại Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020. Theo đó, Điều 85 của Luật quy định: "Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo".

Những chính sách có hiệu lực từ 1/7/2020 tác động trực tiếp đến giáo viên, học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

Từ ngày 1/7, học sinh, sinh viên sư phạm sẽ phải hoàn trả lại học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định.

Bỏ chế độ biên chế suốt đời, trừ 3 trường hợp

Cũng có hiệu lực từ 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 quy định hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010 và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Một điểm mới của luật này là thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng). Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển gồm: Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Không tuyển thêm giáo viên có bằng trung cấp sư phạm

 

Cụ thể, điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Như vậy, từ 1/7/2020, trình độ tối thiểu của giáo viên các cấp là bằng cao đẳng sư phạm.

Những chính sách có hiệu lực từ 1/7/2020 tác động trực tiếp đến giáo viên, học sinh, sinh viên - Ảnh 2.

Từ 1/7/2020, trình độ tối thiểu của giáo viên các cấp là bằng cao đẳng sư phạm. Ảnh minh họa.

Theo quy định, sắp tới sẽ không tuyển giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm nhưng những giáo viên hiện tại đang làm việc mà có trình độ trung cấp vẫn có cơ hội để nâng chuẩn trình độ đào tạo.

 

Cụ thể, theo Khoản 2, điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 có quy định: Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, gần đây nhất là tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành dự thảo lần 3 của Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở lần 2.

Cụ thể, lộ trình được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 theo 2 giai đoạn: Từ 1/7/2020 đến 31/12/2025: Ít nhất 50% giáo viên thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp;

Từ 1/1/2026 đến 31/12/2030: Đảm bảo 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định.

Đáng chú ý, việc nâng chuẩn chỉ áp dụng với giáo viên chưa đạt chuẩn và trừ đi thời gian đào tạo phải có độ tuổi tính từ 1/7/2020 đến tuổi được nghỉ hưu trừ còn đủ 8 năm (tức 96 tháng) công tác.

 

Qua đó có thể thấy, mặc dù đến cuối năm 2030 mới yêu cầu 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ nhưng từ 1/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, sẽ không tuyển dụng giáo viên có bằng trung cấp.

Theo Điều 77 tại Luật giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 nêu rõ:

Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học: Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm;

Giáo viên trung học cơ sở: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

Giáo viên trung học phổ thông: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

 

Giảng viên cao đẳng, đại học: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm…

Như vậy, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm vẫn được chấp nhận nếu dạy mầm non, tiểu học.

Giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên

Cụ thể, theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và với giáo viên nói riêng chỉ trừ 03 đối tượng sau: quân đội, công an và cơ yếu.

Cụ thể hóa quy định này tại Nghị quyết 27, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.

 

Theo đó, từ ngày 01/7/2020, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Như vậy, những giáo viên hiện nay đang được hưởng phụ cấp thâm niên, kể từ 01/7/2020 sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp này nữa.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm