Tin tức - Sự kiện

Những điểm đáng chú ý trong “Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” vừa được Bộ Y tế ban hành

DNVN - Ngày 8/8, tin từ Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho hay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Tuấn vừa ký Quyết định 3486/QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2”. Đây là tài liệu hướng dẫn được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Đà Nẵng: Công bố thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối với 20 bệnh nhân Covid-19 tại TP / Đà Nẵng: Các điều kiện về cung cấp thức ăn chế biến sẵn cho các cơ sở y tế, điểm cách ly tập trung

Tại “Hướng dẫn tạm thờiviệc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” ban hành theo Quyết định 3486/QĐ-BYT (ngày 7/8), Bộ Y tế cho biết, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người và có thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính như:sốt, ho, đau họng, khó thở, có thể dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi.

Theo Bộ Y tế

Theo Bộ Y tế,việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm, giảm thời gian xét nghiệm mẫu và bảo đảm chất lượng xét nghiệm (Ảnh: Đội Truyền thông - Bộ phận thường trực phòng, chống dịch COVD-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng)

Có một tỷ lệ cao người nhiễm virus SARSCoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (40-50%) và có thể là nguồn lây trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Hiện cả nước có 121 phòng xét nghiệm có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, đã xét nghiệm được hơn 537.000 mẫu, trong đó xác định 747 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. Tỷ lệ phát hiện dương tính với virus khoảng 0,1%.

“Hướng dẫn tạm thờiviệc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” gồm các nội dung hướng dẫn lấy mẫu, gộp mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm, giảm thời gian xét nghiệm mẫu và bảo đảm chất lượng xét nghiệm theo diễn biến tình hình dịch bệnh để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan làm căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

Bộ Y tế khuyến cáo không áp dụng gộp mẫu bệnh phẩm đối với: Những trường hợp có triệu chứng, người tiếp xúc trực tiếp có nguy cơ cao. Các mẫu thu thập từ người đã xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nhưng chưa có kết quả xác định. Các mẫu thu thập từ bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Tỉ lệ mắc COVID-19 trong cộng đồng cao (tùy theo từng khu vực, địa bàn do Sở Y tế đánh giá và xác định).

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm mẫu gộp không rõ thì thực hiện lại quy trình gộp mẫu và xét nghiệm gộp mẫu. Nếu kết quả xét nghiệm gộp mẫu âm tính tức là tất cả các mẫu đơn trong nhóm gộp là âm tính và không cần thực hiện xét nghiệm tiếp. Kết quả xác nghiệm mẫu gộp dương tính tức là có ít nhất 01 mẫu trong nhóm gộp dương tính. Trong trường hợp này, Phòng xét nghiệm cần thực hiện:

Báo cáo với đơn vị quản lý về kết quả xét nghiệm mẫu gộp dương tính để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. + Xét nghiệm đối với từng mẫu bệnh phẩm đơn trong nhóm. Nếu có mẫu dương tính thì gửi mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định (nếu phòng xét nghiệm đó chưa được phép khẳng định) để xác nhận kết quả. Nếu không có mẫu dương tính thì lấy lại mẫu, xét nghiệm lại theo quy trình thông thường đối với từng trường hợp, phiên giải kết quả và thực hiện các hoạt động báo cáo, phòng chống dịch theo quy định.

Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, sau khi thống nhất một số khu vực ở cộng đồng dân cư, có số lượng mẫu xét nghiệm lớn và được sự chấp thuận của Sở Y tế cũng như lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, từ chiều ngày 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) bắt đầu triển khai áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm (group test).

CDC Đà Nẵng cho hay, phương pháp group test áp dụng theo nguyên lý cân bi trong toán học, một số nơi trên thế giới đã áp dụng, và đây là đây là lần đầu tiên phương pháp này được TP Đà Nẵng áp dụng để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm COVID-19. Group test là phương pháp nhóm lại để xét nghiệm, bỏ nhiều mẫu vào trong một ống xét nghiệm để cho ra kết quả gộp. Cách này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc xét nghiệm từng mẫu, giúp tăng năng lực xét nghiệm.

Theo các chuyên gia, việc gộp mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ có một số hạn chế như có thể phải quay lại nhóm đối tượng có kết quả mẫu gộp dương tính SARS-CoV-2 để lấy lại mẫu làm xét nghiệm. Tuy nhiên nếu tỉ lệ dương tính của cộng đồng thấp thì việc này không gây ảnh hưởng nhiều. Các địa phương, đơn vị phải thường xuyên đánh giá diễn biến của dịch bệnh để xem xét về việc triển khai gộp mẫu cho phù hợp với tình hình dịch.

Quy trình này được áp dụng trong thời gian có dịch COVID-19, thực hiện tại các Phòng xét nghiệm COVID-19 đủ năng lực và có thể thực hiện được kỹ thuật này. Sử dụng quy trình xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2. Sử dụng sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép hoặc Tổ chức Y tế thế giới hoặc CDC Hoa Kỳ thẩm định và khuyến cáo…

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị địa phương triển khai lấy mẫu, gộp mẫu và xét nghiệm mẫu gộp bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tễ, khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực tại địa phương để chỉ đạo việc gộp mẫu xét nghiệm. Các CDC, phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 chịu trách nhiệm lấy mẫu hoặc nhận mẫu, tiến hành gộp mẫu, thực hiện xét nghiệm và báo cáo theo quy định.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm