Nới room tín dụng, xốc lại thị trường
Vụ doanh nghiệp Phước Hải “chiếm” đất xây nhà máy hoạt động suốt 13 năm: Dự kiến cưỡng chế trong 6 ngày / Đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm chủ đạo của ngành
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc xem xét nâng hạn mức tín dụng phù hợp để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, ngay trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5- 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn sẽ được cho vay ra nền kinh tế trong dịp cuối năm nay.
Trong bối cảnh chỉ còn 3 tuần nữa là hết năm, đây là một tin vui với tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên, phải kể đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, với kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ dòng vốn mới.
Nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh
Ông Trần Thanh Bình -Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và thiết bị Bilico cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp bớt áp lực với dòng tiền hơn
"Sau Tết thường mất 1-2 tháng thì doanh nghiệp mới có thể vận hành trở lại, trong khi một tháng không có doanh thu thì dòng tiền tiếp cận từ ngân hàng là rất cần thiết", ông Bình cho biết.
Cùng với việc nới hạn mức tín dụng, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng, các ngân hàng sẽ đơn giản thủ tục cho vay. Qua đó, giúp doanh nghiệp kịp thời có vốn để kịp thời chi trả các đơn hàng, thanh toán cuối năm.
"Doanh nghiệp tới 75% là đang thiếu vốn,việc nới hạn mức tín dụng đương nhiên doanh nghiệp rất phấn khởi. Tuy nhiên để chính sách có hiệu quả, thiết thực hay không cần phải có thời gian", TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá.
Dòng tiền từ việc nới room tín dụng sẽ được hướng chủ yếu vào sản xuất kinh doanh
Theo thống kê, đến cuối tháng 11, tín dụng tăng trưởng khoảng 12,2%. Cộng cả hạn mức được nới, các ngân hàng sẽ có dư địa khoảng 3,8% để cho vay trong tháng cuối năm.
"Có room tín dụng nhưng các ngân hàng thương mại cũng phải chủ động tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục theo dõi việc hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng này và sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại để có điều kiện có nguồn vốn cung ứng vốn một cách ổn định",Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các hệ thống, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền ra qua thị trường mở với kỳ hạn dài hơn, lên đến 91 ngày, thay vì kỳ hạn ngắn 14 ngày như thông thường. Nguồn tiền dài hạn, sẽ giúp các ngân hàng cân đối vốn, đảm bảo hiệu quả cho vay.
Củng cố niềm tin nhà đầu tư
Không chỉ mở rộng dư địa cho vay của các ngân hàng, giúp các doanh nghiệp sản xuất yên tâm hơn trong bối cảnh cuối năm. Quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho toàn hệ thống thêm từ 1,5 - 2% cũng ngay lập tức hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước.
Thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần giao dịch tương đối tích cực, VN-Index nhanh chóng cân bằng trở lại sau phiên giảm điểm, cùng xu hướng mua ròng mạnh của khối ngoại được duy trì. Các chuyên gia đánh giá cao động thái linh hoạt này của cơ quản quản lý, giúp củng cố thêm tâm lý của các nhà đầu tư
Chứng kiến sự phục hồi mạnh hơn 25% của thị trường chứng khoán từ giữa tháng 11, đa phần các nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ tâm lý tương đối thận trọng, dòng tiền nhập cuộc chủ yếu đến từ khối ngoại và tổ chức. Vì vậy, thông tin Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng như một "làn gió mới" củng cố thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng như một "làn gió mới" củng cố thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư
"Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vào khoảng 5,4 - 6%, duy trì trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho thấy thanh khoản ngắn hạn đã ổn hơn. Tổng thể các chính sách của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ đang có những dấu hiệu tốt hơn, hỗ trợ cho nền kinh tế và thanh khoản của thị trường", ông Nguyễn Minh Hoàng -Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán Nhất Việt nhận định.
Mặt khác, việc nới room tín dụng cũng tác động đến sự chọn lọc và phân hoá trên thị trường chứng khoán sau giai đoạn phục hồi mạnh.
Ông Phạm Lưu Hưng -Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán SSI dự báo: "Khi room tín dụng được mở ra thì các ngân hàng có giải ngân được số tiền đó hay không mới là quan trọng. Các ngành ngân hàng có lẽ là nhóm các cổ phiếu được ảnh hưởng tốt, đặc biệt là những ngân hàng Top đầu".
Các chuyên gia cũng đánh giá, việc nới room tín dụng trong thời điểm này cho thấy chính sách của Ngân hàng Nhà nước linh hoạt, mềm dẻo. Dù mức độ ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán có thể sẽ không quá lớn, nhưng rất cần thiết để giúp thị trường đi vào trạng thái ổn định.
"Xốc" lại thị trường bất động sản
Không chỉ thị trường chứng khoán, quyết định nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng cũng có tác động tích cực về mặt tâm lý đối với thị trường bất động sản.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản, để hỗ trợ những dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thông điệp của Thủ tướng đã được thị trường bất động sản hết sức quan tâm. Đại diện một số ngân hàng cho biết, các dự án tốt sẽ được giải ngân.
Hiện nay, không ít dự án bất động sản đang triển khai dở dang gặp khó vì thiếu vốn. Còn ở phía người mua nhà để ở, nhiều trường hợp đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng nhà. Họ còn thiếu 20-30% nữa để có thể nhận nhà. Nhưng gặp đúng lúc ngân hàng hết hạn mức giải ngân, khiến họ gặp không ít khó khăn.Các chuyên nhận định, việc nới room tín dụng sẽ ít nhiều "tiếp sức" cho thị trường bất động sản.
Các chuyên nhận định, việc nới room tín dụng sẽ ít nhiều "tiếp sức" cho thị trường bất động sản
Đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, trong đợt nới room tín dụng lần này, ngân hàng vẫn sẽ dành vốn cho bất động sản.
"Chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ là sẽ hỗ trợ người mua nhà, các dự án thực sự tốt, đáp ứng được quy định pháp lý của Nhà nước. Chúng tôi sẽ xem xét để cung ứng vốn, kể cả chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, đặc biệt với người mua nhà", ông Trần Long -Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV thông tin.
Ông Cấn Văn Lực -Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng dòng vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sẽ tương đối nhanh, vì các hồ sơ chờ giải ngân đã có sẵn rồi. Không nên quá lo lắng dòng tiền từ việc nới room tín dụng sẽ đi vào đầu cơ hay quá rủi ro.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để "xốc" lại thị trường bất động sản, không chỉ là tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng. Gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công táctháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Các doanh nghiệp kỳ vọng, đây sẽ là động lực để "khơi thông" cho thị trường này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo