Tin tức - Sự kiện

Phát triển khu Đông thành khu đô thị sáng tạo của TP.HCM

DNVN - TP.HCM muốn khu vực phía Đông gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trở thành khu kinh tế phát triển gắn liền với tri thức, công nghệ cao và thông minh...

Lâm Đồng: Trạm BOT Định An chậm triển khai thu phí không dừng / TPHCM: Xác minh ô tô “điên cuồng” chạy trốn CSGT, đâm hàng loạt phương tiện

Để nhằm thực hiện hóa vấn đề trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức công bố nội dung và kế hoạch thi quốc tế “Ý tưởng Quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao” phía Đông TP.HCM (quận 2, 9, quận Thủ Đức).

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết, mục đích cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng về quy hoạch và phát triển đô thị để chuyển đổi khu vực phía đông TP trở thành khu vực kinh tế sáng tạo và có tính tương tác cao.

Các hoạt động kinh tế tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động liên kết vùng TP.HCM.

Khu vực quận 9 nằm trong quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo (Ảnh: MH)

Khu vực quận 9 nằm trong quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo (Ảnh: MH)

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho hay, các ý tưởng về khu đô thị sáng tạo sẽ được thực hành tại Khu công nghệ cao, thí điểm, sau đó chuyển sang thương mại hóa giai đoạn đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“Đây là sự liên kết từ ý tưởng đến thực hành. Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM đã được nhiều chuyên gia, đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế góp ý qua nhiều lần hội thảo, tọa đàm. Phương án cuối cùng được các chuyên gia góp ý là phương án “mở”. Đây là nội dung mới, chưa từng có kinh nghiệm từ các quốc gia khác", ông Nhã nhận định.

Để thực hiện, cuộc thi sẽ được tổ chức với hình thức thi tuyển quốc tế gồm vòng sơ tuyển và thi tuyển.

Thời hạn nhận hồ sơ năng lực là ngày công bố đến ngày 2/5. Trong tháng 5/2019, Ban Tổ chức sẽ công bố danh sách ngắn, các đơn vị được chọn sẽ có 2 tháng để nghiên cứu và thể hiện phương án. Đến 10/7, Ban Tổ chức sẽ bắt đầu nhận bài thi và chấm điểm. Dự kiến tháng 8/2019 sẽ có kết quả và gửi UBND TP.HCM chấp thuận trước khi công bố chính thức. Tổng giải thưởng của cuộc thi lên đến 8,5 tỉ đồng.

 

Liên quan đến quá trình xây dựng Khu đô thị thông minh, sáng tạo, trước đó TP.HCM đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện hóa ý tưởng trên.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, thành phố đã triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, điểm nhấn là xây dựng khu đô thị sáng tạo tại các quận 2, 9 và Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức.

Khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố.

Để xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, ông Phong cho rằng thành phố cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sau khi được hình thành, khu đô thị sáng tạo của thành phố sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, trung tâm giáo dục-đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao và trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

 

Từ đây, chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

“Đô thị sáng tạo là chủ trương của chính quyền thành phố với trọng tâm là phát triển kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận, mang lại cơ hội thật sự cho mọi công dân.

Sự quản trị của chính quyền chỉ thành công khi có sự tham gia từ khu vực tư nhân, dân cư, các trường ĐH, tổ chức quốc tế trong mọi cấp độ của tất cả tiến trình. Đặc biệt, khối cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng và là động lực trong quá trình này”, ông Lê Thanh Liêm kỳ vọng.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm