Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải quyết liệt dập dịch tại Bệnh viện Bạch Mai"
Mặt nạ che giọt bắn chống Covid-19 Made in “Bệnh viện Trung ương Huế” / TP.HCM: Khuyến cáo không nên sử dụng buồng kháng khuẩn vì chưa chứng minh được độ an toàn
Đến ngày 28/3 đã có 12 ca mắc Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, theo nhận định của các chuyên gia, con số này sẽ tăng trong vài ngày nữa. Do vậy, Phó Thủ tướng nêu nhiệm vụ quan trọng trong những ngày tới là tập trung lực lượng của Bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội, Bộ Y tế để dập bằng được ổ dịch tại đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải quyết liệt dập dịch tại Bệnh viện Bạch Mai".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc dập các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lây lan vào cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054…, hiện chúng ta có hai ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là ổ dịch ở quán bar Buddah (TP.HCM) và ổ dịch tại BV Bạch Mai (Hà Nội).
Phó Thủ tướng lưu ý, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày có hàng chục nghìn người qua lại. Do đó, đây là nơi rất tiềm tàng, là ổ dịch lớn, phức tạp và nguy hiểm nhất cả nước thời điểm hiện tại. Về cơ bản mũi từ bên ngoài chúng ta đã kiểm soát được. Nhưng lo nhất bây giờ là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Để khoanh vùng và ngăn chặn dịch lây lan, việc quan trọng là lập danh sách toàn bộ những người đã đến BV Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay. Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo tình hình của BV Bạch Mai, những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm gồm: Các y bác sĩ, nhân viên BV; sinh viên, học viên từ các trường y, địa phương về học tập, thực tập tại BV; bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; những người cung ứng hậu cần, làm dịch vụ chăm sóc bệnh nhân; người vận chuyển; người vào thăm, chăm sóc thân nhân; người ra vào nhà tang lễ BV;…
Trong những ngày qua UBND TP.Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này.
“Đến giờ phút này chúng ta đã lần lượt kiểm soát các nguồn lây bệnh. Bộ Y tế đề nghị nhân dân cung cấp thông tin về tất cả những người đã qua lại BV Bạch Mai trong thời gian từ ngày 12/3 để tiến hành khai báo y tế và kiểm soát. Các cán bộ, nhân viên y tế đang cách ly tại BV Bạch Mai vẫn tiếp tục điều trị các bệnh nhân còn ở trong BV. Bộ Y tế sẽ tiếp tục cung cấp thuốc men, vật tư y tế, trang thiết bị điều trịđể bảo đảm các bộ, nhân viên y tế có thể hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Hiện nay, tất cả y bác sỹ, nhân viên, bệnh nhân tại bệnh viện đã được cách ly, xét nghiệm. Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000-15.000 người qua lại, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác là rất lớn.
Thông tin thêm về kết quả điều tra dịch tễ, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho hay: Từ 2 tuần nay, các chuyên gia dịch tễ học đã theo dõi rất sát và phân tích ngày đêm để cố tìm ra đường lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai. Ban đầu, các chuyên gia tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế nhưng sau khi xét nghiệm thì thấy chưa thuyết phục. Hướng thứ hai là dấu hiệu lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tra dịch tễ tiếp theo cho thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong bệnh viện. Cụ thể công ty cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 5 người nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong Bệnh viện, đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất nguy hiểm vì những người này di chuyển qua nhiều Bệnh viện.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh giải pháp điều tra dịch tễ truyền thống, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế; gửi tin nhắn cảnh báo qua các mạng di động, mạng xã hội đến những người đã tới Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3; kêu gọi người dân cung cấp thông tin về những người có liên quan hoặc đã đến đây; người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nếu không cần thiết ở lại thì được di chuyển đến khu cách ly tập trung; các bệnh nhân còn lại trong viện sẽ tiếp tục được điều trị. Liên quan đến các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai phải lên danh sách và có quy chế riêng với các bệnh nhân này
Tập trung kiểm soát ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài ra, các đại biểu, cũng bàn bạc về việc bảo đảm an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, người lao động làm việc trong Bệnh viện Bạch Mai, điều trị các bệnh nhân đang chạy thận, bệnh nhân mắc bệnh nặng; tăng cường tất cả các biện pháp phòng, chống dịch; triển khai khử khuẩn toàn bộ khuôn viên Bệnh viện; cung ứng thực phẩm cho y bác sĩ, người bệnh và những người liên quan đang cách ly trong Bệnh viện; xử lý rác thải y tế; vấn đề tổ chức tang lễ cho những bệnh nhân tử vong do các bệnh khác.
Tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo của Bộ Y tế; cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin điều tra dịch tễ học trong trường hợp cần thiết. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí cho thôi việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024