Tin tức - Sự kiện

Mặt nạ che giọt bắn chống Covid-19 Made in “Bệnh viện Trung ương Huế”

DNVN - Thay vì phải mua mặt nạ che giọt bắn với giá 200.00 đồng, các bạn trẻ Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế đã tự làm mặt nạ với chi phí chỉ 5.000 - 7.000 đồng, từ những vật liệu thông thường nhưng hiệu quả cao, để cung cấp cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế gửi thư cho du khách nước ngoài đang bị cách ly do dịch Covid-19 / Thứ trưởng Bộ Y tế: Thừa Thiên Huế là điểm sáng trong phòng chống Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hưởng ứng phong trào cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước nói chung và của Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng, Đoàn Thanh niên Bệnh viện vừa phối hợp với Phòng Quản lý chất lượng, Đơn vị quản lý dịch vụ buồng bệnh, sản xuất các mặt nạ che ngăn chặn giọt bắn.

_

Tranh thủ thời gian rảnh, nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế chung tay làm ra các mặt nạ che giọt bắn để cung cấp cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Những chiếc mặt nạ được làm từ chất liệu mica và xốp nên mang lại cảm giác rất nhẹ nhàng, thoải mái khi đeo, bên cạnh đó còn góp phần ngăn giọt bắn hiệu quả hơn khẩu trang khi có diện tích lớn hơn, tầm che chắn rộng hơn.

Theo Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, với điều kiện kinh tế khó khăn khi mỗi mặt nạ che chắn có giá trị trên dưới 200 ngàn đồng, các đoàn viên đơn vị đã nghĩ ra cách làm mặt nạ che chắn từ những vật liệu thông thường nhưng hiệu quả cao.

Thay vì mặt nạ che giọt bắn mua với giá 200 nghìn đồng, thì Bệnh viện Trung ương Huế đã tự làm mặt nạ với chi phí chỉ 5.000 - 7.000 đồng để cung cấp cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Tranh thủ thời gian rảnh, các nhân viên của Bệnh viện đã cùng chung tay làm ra các sản phẩm mặt nạ che giọt bắn. Mỗi chiếc mặt nạ được làm chỉ từ 5-7 phút với kinh phí khoảng 5.000-7.000 đồng. Mặt nạ làm vừa khít với phần đầu đội vào và che kín khuôn mặt, phần dưới mặt nạ được làm rộng ra để dễ hít thở.

Trong một ngày, các nhân viên Bệnh viện đã làm được gần 100 mặt nạ. Dự kiến sẽ làm đủ khoảng 1.000 cái để cung cấp cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc với các bệnh nhân mắc Covid-19 và những người bệnh nghi nhiễm đang cách lý, điều trị tại Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế (xã Phong An, huyện Phong Điền).

_

Đội ngũ nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng mặt nạ che giọt bắn nhằmtránh nguy cơ xâm nhập của virus.

Hiện tại sản phẩm này đã được phát miễn phí cho các bộ phận, như: Chăm sóc khách hàng, Khám bệnh, Cấp cứu, Bảo vệ… là những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhằm hạn chế lây nhiễm virus Covid-19. Các bệnh viện, trung tâm y tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã liên hệ với bệnh viện học cách làm mặt nạ cho đơn vị mình.

TS-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mặt nạ che ngăn chặn giọt bắn rất hiệu quả với y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc với bệnh nhân. Vì Covid-19 không chỉ lây nhiễm qua giọt bắn vào miệng, mũi mà các giọt bắn nếu rơi vào giác mạc cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Y bác sĩ sẽ kết hợp đeo khẩu trang và mặt nạ này thì sẽ tránh được nguy cơ xâm nhập của virus.

“Đây là một trong những việc làm ý nghĩa, cấp thiết của Đoàn Thanh niên Bệnh viện, góp phần trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế vui vẻ cho biết.

Chiều 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đích thân đến Bệnh viện Trung ương Huế để động viên và tặng bằng khen cho các y, bác sĩ có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Ccovid-19.

_

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi lời tri ân đến đội ngũ những “chiến sĩ áo trắng” đã xông pha, tiên phong trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19; đồng thời trao bằng khen cho 2 tập thể, gồm: Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế và Khoa Vi sinh, Bệnh viện Trung ương Huế.

Và 5 cá nhân, gồm: Ths.Bs Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế; TS.BS Mai Văn Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh; Điều dưỡng Hồ Thị Mỹ Duyên, Khoa Bệnh nhiệt đới, Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế; Điều dưỡng Đặng Quốc Bảo, Khoa Cấp cứu tim mạch can thiệp; Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm