Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù cho 4 địa phương: Trao “bảo kiếm” cần gắn trách nhiệm
Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo của New Zealand trong năm APEC 2021 / Cần xử phạt hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các ý kiến trong phiên làm việc sáng 27/10 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành các Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Tuy nhiên, đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần lưu ý làm rõ.
Cần đánh giá kỹ tác động của chính sách
Dự thảo nghị quyết quy định hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các tỉnh, thành phố này, song đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho biết, dự thảo xác định cụ thể các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế dùng chi cho nội dung gì thì với thành phố Hải Phòng lại chưa rõ. Do đó, ông đề nghị dành nguồn này cho đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng thay vì chi thường xuyên để đảm bảo hiệu quả.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Hải Phòng, Thanh Hoá, đại biểu Luận đề nghị cân nhắc lộ trình chính sách, nhất là năm 2022 khi cả nước tập trung phục hồi kinh tế trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Yên Bái. Ảnh: Quốc hội
Liên quan đến chính sách quản lý đất đai, theo đại biểu, việc cho phép địa phương này chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất lúa 2 vụ trở lên với quy mô lớn hơn thể hiện sự phân cấp mạnh, là điều kiện tốt cho địa phương tạo quy đất lớn thực hiện các dự án. Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Yên Bái băn khoăn về tác động đến sự cạnh tranh bình đẳng khi các địa phương khác khi nhiều nơi đang gặp “nút thắt” này trong thu hút đầu tư. Do đó, ông đề nghị cần giải trình làm rõ tác động của chính sách để Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thông qua.
Về chính sách tăng dư nợ vay, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng như nhiều đại biểu cho biết hiện các địa phương, trong đó có cả TP.HCM chưa sử dụng hết mức dư nợ cho phép. Do đó cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức vay, nguồn trả nợ vay, phù hợp với khả năng trả nợ và làm rõ căn cứ xác định dư nợ vay để Quốc hội quyết định.
Trước ý kiến cho rằng nhiều chính sách đặc thù có thể khiến “tấm chăn ngân sách có hạn, kéo bên này thì mất bên kia”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng phải tính đến tạo cơ chế đột phá để có nhiều hơn nữa địa phương đủ mạnh để thoát ra khỏi “tấm chăn” đó, không cần co kéo nữa. Do đó, việc xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù là đúng hướng, phù hợp với phát triển bền vững khi nơi khó khăn thì được hỗ trợ giảm nghèo, nơi có điều kiện tạo điều kiện bứt phá. Các chính sách đề cập trong dự thảo cũng đảm bảo được tính đặc thù, là cơ hội để địa phương phát huy được lợi thế riêng, qua đó tạo sự lan toả.
Tuy nhiên, bà Mai Hoa cũng đồng tình với một số ý kiến đặt vấn đề khi đề xuất các chính sách thì các tỉnh, thành đặt mình trong mối quan hệ với các địa phương trong vùng, trong kế hạch phát triển của vùng những năm tới hay chưa, hướng đến phát triển các vùng để tránh “đồng phục trong chính sách”.
Trao quyền phải đi liền trách nhiệm
Ủng hộ Quốc hội ban hành nghị quyết, song đại biểu Phạm Văn Hoà – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nghị cân nhắc thận trọng, nên giảm quy mô vì nếu cho phép chuyển đổi đất rừng, đất lúa quá lớn sẽ tác động đến môi trường, an ninh lương thực. Hơn nữa, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra để tránh xé lẻ ra nhiều dự án nhằm đảm bảo diện tích cho phép để không cần thông qua trình Thủ tướng, UBTVQH xem xét quyết định.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục thì đề nghị trao quyền cần gắn với tiêu chí, mục tiêu và trách nhiệm để sau này đánh giá, tổng kết. Ví dụ Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho địa phương chuyển đổi đất rừng mà không giám sát, kiểm tra cụ thể thì sẽ ảnh hưởng đến chiến lược vệ rừng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quốc hội
“Cần bổ sung thêm trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí cả chế tài để thực hiện đúng, nghiêm, hiệu quả nghị quyết. Nghị quyết là cơ hội cho người lãnh đạo tài năng dám nghĩ, dám làm, song cần có chế tài trách nhiệm để khẳng định với các tỉnh còn lại đây không phải “cơ chế xin – cho” mà có bản lĩnh mới có cơ chế đặc thù” – ông Tạ Văn Hạ nêu quan điểm, đồng thời đề nghị thống nhất khái niệm và tiêu chí của “thí điểm” để làm cơ sở quyết định khi các tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về “cơ chế xin – cho”, bất bình đẳng giữa các địa phương, ông Lê Thanh Vân – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách giơ biển tranh luận. Đại biểu ví 63 tỉnh, thành giống như 63 người con của Tổ quốc có năng lực, tiềm năng, lợi thế khác nhau. Ngoài Hà Nội có Luật Thủ đô riêng thì 62 địa phương có chung hành lang pháp lý, do đó nếu không có cơ chế chính sách đặc thù thì khó kích hoạt phát triển các tiềm năng.
“Nền tảng pháp lý chưa có thì phải thí điểm, phải có mô hình để từ đó phân loại địa phương và cá biệt hoá chính sách cho từng nhóm” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh và khẳng định đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để ban hành các chính sách tháo gỡ, “xé rào” để thí điểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao