Tin tức - Sự kiện

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Sau 2 năm xây dựng, Quy hoạch điện VIII đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tạm dừng hoạt động cảng Sông Hàn phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế 2023 / Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giải quyết các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Điểm mới trongQuy hoạch điện VIII

Như vậy, sau 2 năm xây dựng một cách thận trọng, cập nhật liên tục, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành. Nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia bày tỏ sự mong chờ với quy hoạch này, sau một thời gian phát triển "nóng" nguồnnăng lượng tái tạo. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý trong bản quy hoạch năng lượng quan trọng này.

Phát triển điện lực dài hạn

Nhất quán quan điểm điện là ngành hạ tầng quan trọng, dài hạn. Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện. Bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

Hoàn thiện khung pháp lý về phát triển điện

Chính phủ giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành hoàn thiện và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024.

Bộ Công Thương cũng được giao trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp; làm việc với các chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.

Tiếp tục ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Nâng lên 67,5 - 71,5% vào năm 2050.

Giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải sẽ tương đương 134,7 tỉ USD.

Quy hoạch điện VIII - Thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII không chỉ nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, mà còn kỳ vọng là đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế xã hội đến năm 2050.

Điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch điện VIII, theo các chuyên gia chính là việc ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch này, tỉ lệ điện tái tạo sẽ vào khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Đây là một sự đột phá sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa.

Là một trong những thành viên của hội đồng thẩm định Quy hoạch Điện VIII, Tiến sỹ Ngô Tuấn Kiệt khẳng định quy hoạch lần này được xây dựng rất kỹ, có nhiều nội dung mang tính đột phá. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đảm bảo nguồn điện kịp thời, giảm nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2025 - 2030.

TS Ngô Tuấn Kiệt - Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng. Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: "Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đã triển khai thi công xây dựng nhưng còn vướng mắc một số cái về vấn đề pháp lý có liên quan đến quy hoạch thì việc phê duyệt quy hoạch lần này sẽ tháo gỡ cái đó và sẽ được đưa vào triển khai thi công, tiến độ thi công sẽ nhanh hơn".

Một trong những điểm mới của Quy hoạch điện VIII đó là việc tập trung phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ có một nửa các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

GS. TS Trần Đình Long - Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam đánh giá: "Nhà nhà đều lắp điện mặt trời mái nhà thì điện năng sẽ tiêu thụ trước tiên cho các hộ mà họ lắp đặt đó, còn thừa bán ra lưới. Nhu cầu đầu tư tập trung để phát triển lưới điện sẽ thấp hơn nhiều".

"Các cơ quan, công sở họ lại làm việc đúng thời điểm điện mặt trời có tiềm năng phát cao nhất. Tỷ lệ 50% là hơi thấp, tôi nghĩ phải lên 80 - 90% điện mặt trời sử dụng ở cơ quan, công sở", TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhận định.

 

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Quy hoạch điện VIII cũng xác định mục tiêu phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện từ loại hình này đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá tích cực với Quy hoạch điện VIII

Việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt với ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo được nhiều nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm và nhận định sẽ giúp khai thông đáng kể nguồn vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Ông Dominic Heaton - Giám đốc điều hành VRBEnergy tại Việt Nam đánh giá: "Quy hoạch điện VIII lần đầu tiên đề cập đến yêu cầu của việc trữ điện, nếu thiếu đi việc trữ điện chúng ta không thể nào thúc đẩy sự chuyển dịch từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo được. Việc Chính phủ ghi nhận tầm quan trọng của trữ điện sẽ giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư như chúng tôi. Đây là một trong những cơ sở chính để chúng tôi có thể thực hiện được kế hoạch bắt đầu khởi công nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm nay".

Ông Ian Milborrow - Phó Tổng Giám đốc PwC tại Anh nhận định: "Quy hoạch điện VIII là một kế hoạch đầy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, chúng ta vẫn chờ đợi mức độ chi tiết hơn trong vài tháng tới. Nhưng với những thông tin hiện tại nó đã đủ mang đến cho các nhà đầu tư sự rõ ràng và sự tự tin để quyết định đầu tư dài hạn, hướng đến mục tiêu giảm phát thải carbon. Nên tôi nhìn nhận đây là một dấu hiệu rất tích cực".

 

Năng lượng sạch là xu hướng toàn cầu

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Rõ ràng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, việc Việt Nam xây dựng bản đồ năng lượng theo hướng ưu tiên năng lượng tái tạo là đúng theo xu hướng của thế giới. Vì việc phát triển năng lượng sạch đã là một chiến lược được nhiều quốc gia tập trung đầu tư từ trước đó khá lâu và ngày càng trở thành một cuộc chiến thực sự.

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang dẫn đầu khu vực Trung Đông trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với việc sản xuất 90% sản lượng năng lượng tái tạo của vùng Vịnh.

Theo Chiến lược năng lượng tái tạo của UAE đến năm 2050, trung hòa carbon trong ngành điện là ưu tiên hàng đầu. Đến năm 2050, nước này có kế hoạch sản xuất 50% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hoặc hạt nhân.

Bà Mariam Almeiri - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu và môi trường UAE cho biết: "Năng lượng tái tạo đang tiến bộ và tăng tốc cực kỳ nhanh. Tất nhiên không thể nói rằng chúng ta có thể dừng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và chỉ phụ thuộc vào năng lượng sạch và tái tạo mà chúng ta cần một quá trình chuyển đổi. Quá trình đó cần phải diễn ra công bằng và thực tế vì không phải tất cả các quốc gia đều có nguồn lực. UAE đã chi khoảng 150 tỷ USD trong và ngoài nước để tăng cường các cơ sở sản xuất năng lượng sạch".

 

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 3.

Còn tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất điện hàng đầu thế giới, nhu cầu về điện đã phục hồi đáng kể sau đại dịch COVID-19, do tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu điện năm 2021 tại Trung Quốc chứng kiến mức tăng hơn 13% so với năm 2019.

Hiện tại, mạng lưới phân phối điện tại quốc gia tỷ dân dựa vào hỗn hợp than, khí đốt tự nhiên, thủy điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong suốt quá trình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhiệt điện đã và vẫn là nguồn sản xuất điện chính, chiếm khoảng trên dưới 70% sản lượng điện của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo đang chiếm tỷ trọng ngày càng nhiều trong tổng sản lượng điện của Trung Quốc khi các công ty Trung Quốc trở thành người dẫn đầu trong một số phân khúc năng lượng tái tạo.

Năng lượng sách đã trở thành xu hướng của thế giới. Đặc biệt, theo Ember trong thập kỷ vừa qua, tổng sản lượng điện từ gió và mặt trời tăng trưởng trung bình 20%/năm - một kỷ lục khá ấn tượng.

Năng lượng gió và mặt trời là những nguồn điện sạch phát triển nhanh nhất khi lần đầu tiên vào năm 2021 tạo ra 1/10 (10,3%) điện năng toàn cầu, gấp đôi so với năm 2015 khi Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết (4,6%).

 

Theo lộ trình phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của cơ quan năng lượng quốc tế IEA, điện gió và điện mặt trời cần đạt mốc 40% điện năng toàn cầu vào năm 2030, trong khi điện than cần giảm từ 36% xuống chỉ còn 8%.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm