Tin tức - Sự kiện

Quyết tâm cao nhất để có vaccine sản xuất trong nước vào tháng 9/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vì mục tiêu có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 tới, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước.

Sóc Trăng: Chủ tịch xã bị đình chỉ công tác do để dịch bệnh lây lan cộng đồng / Đồng Tháp: Thành phố Sa Đéc tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sau ngày 15/8


Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vaccine trong nước -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 12/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân. Việc này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục, nhất quán trong suốt thời gian vừa qua. Trong khi trên thế giới và trong khu vực tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và vaccine đang rất khan hiếm.

Cùng dự cuộc làm việc từ đầu cầu tại TP Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Dự cuộc họp tại trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế, các nhà khoa học, đại diện các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm và sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt, nhân dân hết sức quan tâm việc triển khai chiến lược vaccine. Để có vaccine tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, chúng ta thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là công việc lớn của đất nước, được người dân rất trông đợi.

Thủ tướng nhấn mạnh “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vaccine trong nước. “Trong cái khó ló cái khôn”, “trong nguy có cơ”, bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19. Trong thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Chính phủ nói là làm chứ không phải nói xong để đấy. Đề nghị các đại biểu nêu rõ các kết quả đạt được, chưa được, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để chung tay tháo gỡ”, Thủ tướng nêu rõ và nhắc lại quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Các bên liên quan phải phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mỗi người trên cương vị của mình phải làm hết trách nhiệm trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chống mọi biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này, nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý ngay, xử lý nghiêm.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc liên quan tới thủ tục cấp phép lưu hành thuốc, vaccine và ban hành các chính sách đặc thù khác. Thủ tướng yêu cầu, nếu vẫn có vướng mắc thì phải tiếp tục tháo gỡ, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế và các bên liên quan đã báo cáo cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Cụ thể là việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển, vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết

Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Nanocovax nêu rõ quan điểm: Quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “truyền lửa, nhiệt huyết cho các cơ quan, các nhà khoa học”; khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học, bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine, “loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”. Có vaccine gì thì tiêm loại đó. Các nhà khoa học khẳng định hiệu quả của tất cả các loại vaccine đã được cấp phép.

Các ý kiến cũng cho rằng, Nghị quyết 86 của Chính phủ với những giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù đã cho thấy tinh thần “trách nhiệm, bản lĩnh, vì dân” của Chính phủ. PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế cho biết, các đơn vị hết sức cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 86.

PGS.TS. Lê Văn Truyền khẳng định, sau khi Hội đồng đạo đức có ý kiến đối với thuốc, vaccine thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ làm việc khẩn trương nhất có thể, họp bất kỳ lúc nào cần để thực hiện các quy trình xem xét, đánh giá, trình Bộ Y tế xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch đang rất căng thẳng và vẫn thiếu vaccine ở cả nước. TP Hồ Chí Minh rất cần vaccine tiêm cho người dân để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng.

Chúng ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine nhưng trong tháng 8/2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vaccine về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP Hồ Chí Minh để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hà Nội. Trong tháng 9/2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vaccine được nhập về. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ.

Theo Phó Thủ tướng, các vaccine nghiên cứu, phát triển trong nước như Nanocovax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, phải được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để khẩn trương cấp phép lưu hành khẩn cấp. Cấp bách nhất hiện nay là phải có vaccine ngay thời điểm này để tiêm cho người dân nhiều nhất có thể.

Sau tháng 10/2021, vaccine từ các hợp đồng mua của nước ngoài sẽ về rất nhiều (dự kiến trong quý IV sẽ có khoảng 60 triệu liều). Các dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Các vaccine trong nước cũng sẽ hoàn tất quy trình thử nghiệm lâm sàng.

Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Nanocovax khẳng định, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “truyền lửa, nhiệt huyết cho các cơ quan, các nhà khoa học” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm của con người Việt Nam

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tất các các ý kiến tại cuộc họp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện quyết tâm cao phải nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất được vaccine tại Việt Nam sớm nhất có thể. Các đại biểu cũng thống nhất tinh thần tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Trên tinh thần “kịp thời, an toàn, hiệu quả”, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất phải vào cuộc hết sức khẩn trương, rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính nhưng về mặt chuyên môn, khoa học phải chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ, “dục tốc bất đạt”. Do đây là lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, chúng ta “phải có trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo, không nóng vội, chần chừ hoặc nóng vội đều không được…”.

Thủ tướng nêu rõ, ông luôn luôn sẵn sàng làm việc ngày đêm sớm tối với các cơ quan liên quan nhưng về chuyên môn, khoa học thì dứt khoát phải do các cơ quan chuyên môn, khoa học có thẩm quyền đánh giá. Hai yêu cầu cốt lõi đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 86 là phải bảo đảm tính an toàn và hiệu quả (hiệu quả điều trị của thuốc, hiệu quả bảo vệ của vaccine dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine).

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ có liên quan, các Hội đồng cùng “xắn tay áo” vào cuộc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục để các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế như kit xét nghiệm… đáp ứng ngay, không để vì thủ tục hành chính mà ách tắc công việc.

Các cơ quan liên quan như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur… tập trung hỗ trợ các cơ quan quản lý, nhà khoa học, các đơn vị nói trên theo tinh thần “chống dịch như chống giặc, ai có gì dùng nấy”.

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác này. Việc phối hợp giữa các bên liên quan phải chặt chẽ, tích cực, hiệu quả, mạnh mẽ hơn dưới sự điều phối, tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn, là đầu mối điều phối, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các nhà nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tham vấn ý kiến, nhận hỗ trợ từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Kiện toàn tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế về vaccine phòng COVID-19, hoàn thiện quy chế hoạt động của Tổ nếu cần thiết và phải hoạt động thật hiệu quả, thực chất. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thông tư về cấp giấy lưu hành thuốc và vaccine sản xuất trong nước theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV sửa đổi quy định về thử nghiệm lâm sàng và thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Điều 87, Điều 89 Luật Dược.

Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp nghiên cứu, quyết định hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền về chính sách ưu đãi cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Bộ Tư pháp rà soát các thủ tục bảo đảm đúng quy trình, quy định, chặt chẽ nhưng gọn và nhanh.


Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine, “loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine, “loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép và được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”. Ông yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và đề nghị các nhà khoa học, các nhà chuyên môn lên tiếng để tránh tâm lý “có vaccine không tiêm” mà so bì, chờ đợi, phân biệt các loại vaccine.

Cùng với vaccine, Thủ tướng yêu cầu tích cực hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, nhất là bộ sinh phẩm xét nghiệm.

“Tất cả chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa, mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự mình sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước, đây là kết quả từ sự nỗ lực, lao động của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà sản xuất, cũng là sản phẩm chung của cả nước, của dân tộc, của lòng dân, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm của con người Việt Nam trong bối cảnh khó khăn theo tinh thần “biến nguy thành cơ”, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm