Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp khó do thiếu vốn, thiếu diện tích và tâm lý hoài nghi sạch-bẩn
Chia sẻ tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối và tiêu thụ nông sản hữu cơ” sáng 22/12, ông Trần Thế Như Hiệp- Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng nhận NHONHO nhấn mạnh: "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp khó từ thiếu vốn, thiếu diện tích và tâm lý hoài nghi sạch- bẩn".
Việt Nam phấn đấu vào top 15 về nông nghiệp hữu cơ / Nông nghiệp hữu cơ gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ
“Diễn đàn trực tuyến kết nối và tiêu thụ nông sản hữu cơ” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn diễn ra theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, tại Cơ quan Đại diện phía Nam của Bộ NN- PTNT tại TP Hồ Chí Minh, các điểm cầu tại Sở NN- PTNT tỉnh thành phía Nam, cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã ngành hàng rau quả và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
“Diễn đàn trực tuyến kết nối và tiêu thụ nông sản hữu cơ” đầu cầu tại Cơ quan Đại diện phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Viết Bình- Phó Chánh văn phòng Bộ NN- PTNT cho biết, xu hướng chuyển đổi sang nông sản xanh, nông sản hữu cơ là tất yếu. Hai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính hiện nay là doanh nghiệp tư nhân chủ yếu phục vụ xuất khẩu, và nhóm hộ nông dân sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp.
Chia sẻ về các tiêu chuẩn hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, ông Trần Thế Như Hiệp- Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng nhận NHONHO cho rằng: "Tính đến năm 2019, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam khoảng 237.7ha (46/63 tỉnh thành có phong trào sản xuất hữu cơ với hơn 17 nghìn nông dân và gần 100 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, trong đó, có hơn 60 doanh nghiệp xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm). Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi 180 nước".
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp rất nhiều thách thức liên quan đến quy mô nhỏ, diện tích hạn chế, sản lượng ít, thiếu cạnh tranh; thiếu vốn để đầu tư CSHT, công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.
Cùng với đó là chi phí đầu vào lớn, thu nhập từ sản phẩm hữu cơ chưa cân đối. Tiêu thụ sản phẩm khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của sản phẩm hữu cơ, tâm lý hoài nghi sạch-bẩn,..
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quá trình buộc phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp không an toàn (ưu tiên năng suất, sản lượng, tăng vòng quay đất, tăng giá trị đơn vị diện tích) sang sản xuất an toàn, hữu cơ (năng suất thấp, tự nhiên, sâu bệnh, giảm vòng quay đất..) nên gặp nhiều khó khăn.
Đó là chưa kể tới việc chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng khó, chi phí cao, chuyển đổi sản xuất hữu cơ mất thời gian.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp khó do thiếu vốn, thiếu diện tích và tâm lý hoài nghi sạch-bẩn.
Kiến nghị về giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng nhận NHONHO khuyến nghị, cần phân tích, dự báo, đánh giá tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức và xu thế phát triển nông nghiệp hữu cơ. Xác định vùng sản xuất có lợi thế, sản phẩm/thị trường chủ lực để sản xuất hữu cơ theo hướng hàng hóa.
Cùng với đó là phát triển sản xuất hữu cơ (mục tiêu, lộ trình, giải pháp) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phát triển thương hiệu và thị trường sản phẩm hữu cơ. Kết nối chuỗi cung ứng từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ cho các sản phẩm hữu cơ. Truyền thông nâng cao nhận thức sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Đối với địa phương, cần triển khai Đề án hữu cơ của Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ.
“Bên cạnh mục tiêu Tăng năng suất bảo đảm an ninh lương thực, cần ưu tiên quy hoạch diện tích đất sản xuất nông sản chủ lực theo tiêu chuẩn hữu cơ. Mỗi địa phương cần phải xây dựng Đề án nông nghiệp hữu cơ riêng để làm định hướng. Đồng thời đào tạo, hướng dẫn để cán bộ quản lý và người dân hiểu rõ hơn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từng bước hướng dẫn các quy trình SXNN hữu cơ đến từng đối tượng sản xuất. Cần phối hợp giữa các ngành để quản lý chất lượng, nhãn mác và kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, giúp gia tăng giá trị của sản phẩm hữu cơ trên thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Hiệp khuyến nghị.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo