Bộ Y tế cho biết trung bình số mắc COVID-19 mới ở nước ta 7 ngày qua hơn 134.000 ca/ngày; Biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.776.873 ca mắc, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 48.357 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.769.355 ca, trong đó có 2.786.525 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (554.540), Hà Nội (460.001), Bình Dương (318.635), Bắc Ninh (194.520), Quảng Ninh (131.222).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 134.041 ca/ngày.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.789.342 ca
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.258 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.319 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 479 ca; Thở máy không xâm lấn: 110 ca; Thở máy xâm lấn: 343 ca; ECMO: 7 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 91 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.977 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.744.084 mẫu tương đương 80.574.910 lượt người, tăng 230.532 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 198.255.931 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.220.810 liều: Mũi 1 là 70.865.996 liều; Mũi 2 là 67.698.132 liều; Mũi 3 là 1.501.013 liều; Mũi bổ sung là 14.285.241 liều; Mũi nhắc lại là 26.870.428 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.035.121 liều: Mũi 1 là 8.744.389 liều; Mũi 2 là 8.290.732 liều.
Biến chủng Omicron đã ghi nhận tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minhlà chủng gì?
Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 07/3 đến 16h ngày 08/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 162.435 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 162.415 ca ghi nhận trong nước (tăng 15.080 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 104.353 ca trong cộng đồng).
5 tỉnh, thành có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất hôm qua vẫn là Hà Nội (32.650), thứ 2 là Nghệ An (15.292), tiếp đó là Bắc Ninh (10.731),thứ 4 là Phú Thọ (4.882) và thứ 5 là Sơn La (4.368);
Ngoài ra, có 34 tỉnh, thành khác ghi nhận ca mắc COVID-19 từ 1.000 đến 4.000;
Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Biến chủng này thay thế dần biến chủng Delta.
Tại Hà Nội, biến chủng Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến chủng BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện nhiễm biến chủng Omicron.
Trước thực tế trên, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới để kịp thời tham mưu UBND TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.
Riêng với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với Phòng y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm đủ liều vaccine, đồng thời tuyên truyền, vận động những người từ chối tiêm vacicne cần thực hiện tiêm chủng.
TP Hồ Chí Minhmở đợt cao điểm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao trước dịch COVID-19 từ nay đến ngày 31/3
UBND TP Hồ Chí Minhđã có văn bản khẩn gửi các sở, ban ngành và các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo phân tích của Sở Y tế TP Hồ Chí Minhphần lớn các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, khi có triệu chứng cần nhập viện thì những trường hợp này đã ở mức độ nặng và chưa được phát hiện là F0 trước đó nên chưa được sử dụng thuốc kháng virus.
Theo nhận định của UBND TP Hồ Chí Minh, việc mở đợt cao điểm của chiến dịch tại thời điểm hiện nay hướng đến những người thuộc nhóm nguy cơ cao là rất cần thiết nhằm giảm số trường hợp mắc COVID-19 nặng và góp phần giảm tử vong.
Theo đề nghị của Sở Y tế, UBND TP Hồ Chí Minhsẽ phát động đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, thời gian của đợt cao điểm từ nay đến ngày 31/3, đối tượng là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức triển khai "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao; đồng thời triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách đang quản lý và danh sách đã được cập nhật.
Theo đó, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà và được tư vấn từ xa qua mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"; nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cấp ngay và uống thuốc kháng virus, chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn của Sở Y tế về "Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0".
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, thuyết phục và phấn đấu tiêm vaccine cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm, thời gian hoàn thành tiêm vaccine trước ngày 29/3.
Theo Thái Bình/SK&ĐS