Sắp công bố khung thời gian năm học, thời điểm thi THPT quốc gia do ảnh hưởng của COVID-19
Chủ tịch Thừa Thiên Huế gửi “tâm thư” đến du khách trong mùa Covid-19 / Lùi thời gian tổ chức Festival Huế 2020 vì lo ngại Covid-19
Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 và công tác triển khai Nghị quyết 88 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của ngành Giáo dục tỉnh Hải Dương.
Thứ trưởng Nguyễn Hứu Độ phát biểu tại buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Hải Dương
Không để học sinh vì học bù mà quá tải
Báo cáo đoàn công tác của Bộ GD ĐT, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hải Dương cho biết, để phòng chống dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh đã quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 29/2. Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tiến hành vệ sinh, khử trùng trường lớp và các thiết bị, đồ dùng dạy học. Tính đến ngày 19/2, 100% cơ sở giáo dục của Hải Dương đã phun thuốc khử trùng, trong đó nhiều trường phun thuốc đợt 2.
Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban ngành liên quan, chỉ đạo tuyên truyền cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về nguyên nhân, hậu quả và cá biện pháp phòng chống dịch bệnh; đặc biệt là hướng dẫn các nội dung cần thực hiện trước, trong và sau khi cho học sinh trở lại trường. Việc giữ liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giáo viên với học sinh được duy trì thông suốt, vừa để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học, vừa nhằm nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh.
Qua thực tế kiểm tra một số cơ sở giáo dục tại Hải Dương và nghe báo cáo tổng quan, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của ngành giáo dục tỉnh. Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị Sở GDĐT Hải Dương tiếp tục nâng cao trách nhiệm phòng chống dịch và chỉ đạo các nhà trường thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại.
"Chúng ta chỉ có thể khiến xã hội, phụ huynh yên tâm đưa con trở lại trường khi thực sự làm tốt các công tác đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống dịch, công khai minh bạch quy trình kiểm soát và đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở trường. Do đó, tôi đề nghị Sở GDĐT phối hợp ngành Y tế địa phương xây dựng một quy trình cụ thể, kỹ lưỡng để kiểm soát an toàn cho học sinh, từ lúc đón các em vào trường, trong quá trình học tại trường, cho đến khi học sinh trở về với gia đình. Các điều kiện đảm bảo an toàn như: có chỗ rửa tay sạch sẽ cho học sinh, giáo viên trước mỗi phòng học; bàn ghế được lau dọn bằng nước khử trùng… cần được quy định chi tiết, rõ ràng, để các nhà trường thuận tiện triển khai thực hiện và người dân dễ dàng giám sát, yên tâm" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GDĐT thời gian qua đã ra nhiều công văn hướng dẫn nhà trường cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng chống dịch COVID-19; hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường; công văn yêu cầu tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại… Tới đây, Bộ GDĐT sẽ công bố khung thời gian năm học, thời điểm thi THPT quốc gia, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch học tập, trên tinh thần không để học sinh vì phải học bù mà bị quá tải dẫn đến căng thẳng.
Đổi mới ban đầu sẽ vất vả
Kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương), Thứ trưởng Nguyễn Hứu Độ lưu ý các giáo viên cần nắm rõ những điểm khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành để từ đó triển khai thực hiện cho hiệu quả.
"Chương trình hiện hành xác định mục tiêu cần đạt cho từng bài học còn chương trình GDPT mới chỉ quy định chuẩn đầu ra cho cả một năm học. Căn cứ vào đó, các nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với cơ sở của mình, giúp học sinh phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực. Để dạy học phát triển phẩm chất, năng lực, đòi hỏi người giáo viên phải rất nỗ lực, chịu khó đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Ban đầu các thầy cô vất vả một chút nhưng tương lai chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh chủ động, sáng tạo, có đủ năng lực và phẩm chất để phát triển bản thân, giúp ích cho cộng đồng, xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và sẵn sàng hội nhập quốc tế" - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với giáo viên Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) về chương trình GDPT mới
Chương trình, sách giáo khoa lần này được viết theo hướng mở, trong đó chương trình là gốc, sách giáo khoa là tài liệu dạy học quan trọng cụ thể hóa chương trình. Với thiết kế "một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một số sách giáo khoa", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý giáo viên cần nắm chắc chuẩn đầu ra của chương trình để hiểu được những "con đường" khác nhau mà mỗi sách giáo khoa đi theo nhằm đạt được chuẩn đầu ra. Xác định được sự khác biệt này của các sách giáo khoa , giáo viên sẽ biết được sách nào phù hợp với điều kiện của thể của nhà trường, địa phương, nhận thức của học sinh và đưa ra lựa chọn được chính xác. Vừa qua, Bộ GDĐT đã ra Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó quy định rõ nguyên tắc, mục tiêu, quy trình thực hiện… để các nhà trường và các bên liên quan thuận tiện trong triển khai.
Tâm thế sẵn sàng cho triển khai chương trình GDPT mới
Triển khai Nghị quyết 88, Sở GDĐT Hải Dương đã tổ chức quán triệt tới từng cán bộ quản lý giáo dục, hiệu trưởng trường phổ thông về mục đích, nội dung, yêu cầu, biện pháp thực hiện kế hoạch triển khai chương trình GDPT mới của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức cho giáo viên nghiên cứu kỹ chương trình, chủ động rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để tham mưu chính quyền chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện chương trình GDPT mới.
Ngành giáo dục Hải Dương đã thực hiện nhiều biện pháp đổi mới giáo dục phổ thông khi chưa triển khai chương trình GDPT mới, như đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm. 100% trường Tiểu học của tỉnh đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, tỷ lệ học sinh được ăn bán trú tại trường được nâng lên. Các nhà trường phổ thông đồng thời tăng thời lượng tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới…
Để đảm bảo đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình mới, Sở GDĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch chỉ tiêu biến chế trên cơ sở quy định và hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018, từ đó tham mưu tỉnh tổ chức xét tuyển viên chức năm 2019 và thi tuyển viên chức năm 2020. Sở GDĐT địa phương cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về tính cấp thiết, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đổi mới chương trình GDPT. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý của tỉnh đã tham gia các khóa tập huấn của Bộ GDĐT. Dự kiến tới đây, các nhà trường sẽ tổ chức tập huấn đại trà cho giáo viên. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cũng đang được thực hiện theo đúng lộ trình.
"Đến thời điểm này, ngành Giáo dục Hải Dương đã sẵn sàng thực hiện chương trình mới với tâm thế tốt nhất, trong điều kiện cơ sở vật chất và con người tốt nhất" - Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hải Dương khẳng định.
Tham dự cuộc làm việc của đoàn công tác Bộ GDĐT với ngành Giáo dục tỉnh Hải Dương, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở GDĐT, các phòng GDĐT, các nhà trường trực tiếp tiếp nhận những nội dung trao đổi đoàn công tác và chủ động thực hiện, không đợi thể chế hóa thành kết luận mới triển khai. Trên cơ sở tham mưu của Sở GDĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, hiệu quả việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao