Tin tức - Sự kiện

Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo không gian phát triển lợi thế từng địa phương

Các tỉnh Hà Nam, Cà Mau, Bình Phước tiến hành lấy ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Việt Nam và Trung Quốc ký kết 7 văn kiện quan trọng về đường sắt và đường bộ / Chỉ số PAPI 2024: Người dân lạc quan về tình hình kinh tế đất nước

Hà Nam dự kiến có 33 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam chiều 16/4, các đại biểu đã đóng góp ý kiến và thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh Hà Nam có 98 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 65 xã, 29 phường, 4 thị trấn. Dự kiến sau khi sắp xếp, Hà Nam còn 33 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 16 phường, 17 xã; giảm 65 đơn vị hành chính cấp xã.

Các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp có vị trí liền kề nhau và có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử hình thành, văn hóa, phong tục, tập quán. Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ giữa các đơn vị hành chính cấp xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất, học tập, giao dịch hành chính, quản lý của chính quyền sau khi sắp xếp.

Tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp cơ bản được dùng theo tên gọi của đơn vị cấp huyện hiện nay gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Nơi đặt trụ sở của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp được lựa chọn đặt tại địa điểm có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ giữa các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch và đáp ứng công năng sử dụng, mặt bằng cơ sở vật chất.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh, việc thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhằm góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương; nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Ông Trương Quốc Huy đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khẩn trương tổ chức lấy ý kiến của người dân nhằm tạo sự đồng thuận đối với phương án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Các địa phương rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động, lựa chọn các đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công việc; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Cà Mau thống nhất phương án giảm 61% đơn vị hành chính cấp xã

Chú thích ảnh
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Ngày 16/4, Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội nghị cho ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về đại hội Đảng bộ các cấp và sắp xếp tổ chức bộ máy.

 

Trình bày Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã,Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại cho biết, hiện tỉnh Cà Mau có 100 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 82 xã, 9 phường và 9 thị trấn. Đối chiếu tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã theo quy định và qua rà soát hiện trạng, tỉnh Cà Mau có 31 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn, 69 đơn vị hành chính cấp xã không đạt chuẩn, thuộc diện phải sắp xếp.

“Từ thực trạng nêu trên, nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, góp phần giảm đơn vị hành chính cấp xã, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, giảm số lượng người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, giảm chi ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời tạo không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương là rất cần thiết” - ông Phạm Thành Ngại nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Cà Mau diễn ra cẩn trọng, theo đúng trình tự và đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương, thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Sau khi cân nhắc, tính toán, UBND tỉnh đã xây dựng phương án sau khi sắp xếp sẽ còn 39 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 35 xã và 4 phường), giảm 61% so với số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Cụ thể, sau khi sắp xếp, thành phố Cà Mau sẽ có 4 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Đầm Dơi sẽ còn 7 đơn vị hành chính cấp xã; huyện U Minh sẽ còn 4 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Ngọc Hiển sẽ còn 3 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Trần Văn Thời sẽ còn 5 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Thới Bình sẽ còn 5 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Năm Căn sẽ còn 3 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Phú Tân sẽ còn 4 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Cái Nước sẽ còn 4 đơn vị hành chính cấp xã.

Về lộ trình, đề án nêu rõ thực hiện ngay việc kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính mới, đảm bảo sắp xếp xong trong thời gian 30 ngày sau khi Nghị quyết của Ủyban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành.

Tại hội nghị, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh; đồng thời tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác, bao gồm tên gọi của các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải đánh giá, nội dung thảo luận đã nêu lên những vấn đề rất xác đáng; phương án sắp xếp cấp xã bước đầu đảm bảo theo định hướng của Trung ương; các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính theo quy định…

Ông Nguyễn Hồ Hải cũng thông tin, trong sáng 16/4, tỉnh đã thành lập tổ công tác gồm có các đồng chí có trách nhiệm để xây dựng đề án nhân sự của hệ thống chính trị, trong đó có cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức chính trị cấp xã. Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, đây là bước tiếp theo rất quan trọng, đảm bảo triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương cấp xã theo quy định pháp luật theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra.

Bình Phước dự kiến còn 42 đơn vị hành chính cấp xã

Chú thích ảnh
Cử tri ý kiến, kiến nghị các nội dung liên quan đến vấn đề dân sinh, cũng như việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN

Ngày 16/4, các địa phương tại Bình Phước đã tổ chức tiến hành lấy ý kiến người dân về dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh.

Theo đề án,trên cơ sở 111 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thực hiện việc sáp nhập nguyên trạng thành 42 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 8 phường và 34 xã), tỷ lệ giảm 62,1% so với trước khi sắp xếp.

Về tên gọi mới sau sáp nhập, phần lớn đều được đặt tên lấy từ các xã, phường trước khi sắp xếp. Theo đó, thành phố Đồng Xoài dự kiến 2 phường; thị xã Chơn Thành dự kiến 2 phường và 1 xã; thị xã Bình Long dự kiến 2 phường; thị xã Phước Long dự kiến 2 phường. Huyện Hớn Quản dự kiến 4 xã; huyện Lộc Ninh dự kiến 6 xã; huyện Phú Riềng dự kiến 4 xã; huyện Đồng Phú dự kiến 4 xã. Huyện Bù Đăng dự kiến còn 7 xã; huyện Bù Gia Mập dự kiến còn 5 xã; huyện Bù Đốp dự kiến còn 3 xã.

Trước đó, ngày 15/4, UBND phường Tân Bình (thành phố Đồng Xoài) cũng đã có thông báo lấy ý kiến về việc thành lập phường Bình Phước. UBND phường Tân Bình lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về việc thành lập phường Bình Phước trên cơ sở nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, các đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 5 phường. Đây là các phường xã nằm ở trung tâm thành phố Đồng Xoài, tiếp giáp với hai trục giao thông huyết mạch là quốc lộ 14 và đường ĐT 741. Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính dự kiến đặt tại Trung tâm hành chính thành phố Đồng Xoài. Hình thức lấy ý kiến bằng việc phát phiếu cho cử tri đại diện hộ gia đình tại nhà. Thời gian trong 3 ngày, từ 16 đến hết ngày 18/4. Trong đó, phiếu lấy ý kiến hợp lệ phải có đóng dấu treo của chính quyền địa phương.

* Chiều 16/4, trong chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri các xã Minh Tâm, Minh Đức và An Phú, huyện Hớn Quản nhằm lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn.

Buổi tiếp xúc đã ghi nhận nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách cán bộ, công chức, viên chức… Trong đó, cử tri xã Minh Đức băn khoăn, hiện nay một số cán bộ bán chuyên trách đang học lớp Trung cấp lý luận chính trị, tuy nhiên thời gian tới đây không còn tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập các xã liệu có được hưởng các chính sách hỗ trợ hay không?

Cử tri cho biết, khi có thông tin về việc sắp xếp, sáp nhập một số cơ quan, đơn vị hành chính, nhiều người hoạt động không chuyên trách lo lắng bị cắt giảm hoặc mất việc. Do đó, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nhiều cử tri đề nghị quan tâm chế độ hỗ trợ khi cắt giảm.

Các cử tri kỳ vọng khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện thì việc thực hiện thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn. Tỉnh sẽ có giải pháp tạo thuận tiện cho người dân khi làm thủ tục, nhất là khi dự kiến sáp nhập tỉnh và thay đổi trung tâm hành chính.

Với tinh thần, trách nhiệm cao, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tiếp thu, ghi nhận, làm rõ các nội dung mà cử tri quan tâm.

Liên quan đến chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của cử tri; đồng thời cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của các Sở Nội vụ để xây dựng dự thảo riêng dành cho các đối tượng cán bộ các xã, phường thuộc diện dôi dư sau sát nhập.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm