Sửa đổi Luật Đầu tư công - Bài 1: Khắc phục bài toán 'có tiền mà không tiêu được'
Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên mức 6,8% / Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
Đặc biệt, đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này sẽ khắc phục được bài toán “có tiền mà không tiêu được”; đồng thời, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”… và có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn để giải ngân được ngay về mặt kế hoạch. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tài trợ nhưng vẫn đảm bảo được quy định của Luật Quản lý nợ công “giải ngân đồng thời song song giữa vốn cấp phát và vốn vay lại”.
Đề cập về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019. Các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Để thực hiện đúng và cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại báo cáo số 161/TLHN ngày 20/9/2024 về tiếp thu, giải trình ý kiến Trung ương, Chính phủ đã có Tờ trình đầy đủ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và các tài liệu trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, đã phân tích đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn; mục tiêu, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, bố cục và các nội dung cơ bản của dự án Luật; đánh giá tác động của các quy định…
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương, 116 Điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 07 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn. Bao gồm: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về quan điểm, mục tiêu của Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh bày tỏ, việc sửa đổi Luật bảo đảm nâng cao hiệu quả và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tập trung đổi mới phân công, phân cấp quyền hạn gắn với trách nhiệm trong việc xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm tính công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với hiệu quả đầu tư.
Việc sửa đổi, bổ sung luật cũng bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Các chính sách mới được xem xét thận trọng trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tồn tại, hạn chế, làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp. Phải đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, trong quản lý đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục đích của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu là nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khi xây dựng dự thảo 2 luật này, trong các tờ trình và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận. Tư duy làm luật lần này đột phá hơn nhiều so với các lần trước.
Ngoài ra, thiết kế các quy định của luật lần này cởi mở, kiến tạo phát triển. "Tư duy kiến tạo này không dễ chút nào bởi vì vừa phải cởi mở, vừa kiến tạo phát triển nhưng vẫn phải quản lý được", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, lần này trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã cụ thể hóa được những tư tưởng lớn trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; trong đó, phân cấp phân quyền được thể hiện rõ nét. Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong phân cấp là phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư từ HĐND sang Chủ tịch UBND.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Luật mới đã tháo gỡ được một phần "nút thắt", đó là vốn chờ dự án, có tiền mà không giải ngân được. Ngoài ra, điểm mới và cũng là điểm đột phá của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ khi xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nhiều quy định tại hai dự án luật mới sẽ tháo gỡ ngay những ách tắc thực tiễn, điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng. Việc sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Còn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu nhằm gỡ ngay một vướng mắc trong thực tiễn đấu thầu dự án ODA, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc; tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu…
“Luật Đầu tư công sửa đổi với hiệu lực đề xuất từ ngày 1/1/2025 cần được thông qua tại kỳ họp này là để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Do việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ bắt đầu vào năm 2025 nên nếu Luật Đầu tư công sửa đổi lần này được thông qua thì gần như toàn bộ kế hoạch 2026-2030 sẽ được áp dụng theo Luật sửa đổi, do vậy sẽ không có việc bước chuyển tiếp phức tạp hoặc có các dự án phải áp dụng cả hai luật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Bài cuối: Kỳ vọng từ đề xuất tách dự án giải phóng mặt bằng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi