Tái cơ cấu ngành công nghiệp - Bài 1: Hướng đến tăng trưởng nhanh
Phòng chống cháy tại 'chung cư mini' - Bài cuối: Cần tạo bước chuyển mạnh / Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế liên kết phát triển du lịch sự kiện, lễ hội
Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với Tp. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và Campuchia, Long An nổi lên là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả của khu vực phía Nam. Tuy nhiên, Long An vẫn tập trung thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp. Mục tiêu đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, bền vững hàng đầu của cả nước, là một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Tự chủ sản xuất
Tái cơ cấu ngành công nghiệp, Long An phấn đấu đến năm 2030 sẽ là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam dựa trên công nghiệp xanh, tự động hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của tỉnh là tái cơ cấu để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp trên cơ sở đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. Thực hiện có trọng điểm, có bố trí nguồn lực cho việc phát triển ngành kinh tế ưu tiên và các địa bàn kinh tế trọng điểm.
Cùng đó, Long An còn chú trọng phát triển mạnh thị trường trong nước, phát huy vai trò của thương mại, thúc đẩy sản xuất phát triển và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tỉnh tiếp tục phát triển thị trường nước ngoài để tăng nhanh và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu cũng như thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế gắn với phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAFOOCO), cho biết, trước đây công ty tập trung sản xuất và kinh doanh nguyên liệu từ hạt điều. Thời gian gần đây, công ty tập trung vào đầu tư máy móc hiện đại để phát triển hàng giá trị gia tăng và nhập khẩu thêm các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười Mỹ để chế biến, tạo thêm sự đa dạng, phong phú các mặt hàng.
Công ty đã và đang nỗ lực phát triển thêm các kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước. Trong nước, các sản phẩm của Lafooco đã có mặt trên các kệ của sàn thương mại điện tử như Tiki, Shoppe, Lazada. Với sàn thương mại điện tử quốc tế, công ty cũng đã đưa lên Amazon, Alibaba.
Là công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất cho các dự án resort, cao ốc, văn phòng, nhà hàng khách sạn, ông Đào Đông Cát, Giám đốc Nhà máy, Công ty cổ phần Interhouse LA (ILA) tại Khu công nghiệp Hòa Bình (Thủ Thừa) cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và khủng hoảng ngành bất động sản từ năm 2020 đến nay, ILA đang tìm kiếm cơ hội để gia công xuất khẩu và tăng doanh thu trong việc cung cấp, phân phối nguyên vật liệu xây dựng, vật tư cho công ty HBC cũng như các nhà đầu tư tiềm năng khác. Thời gian tới, ILA sẽ phát triển xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của mình sang Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông,…
Xác định tái cơ cấu ngành công nghiệp phải thực hiện đồng bộ trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết, Long An xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch, bền vững môi trường và giảm thâm dụng lao động. Cùng đó, hình thành các khu, cụm công nghiệp chất lượng cao để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế có khả năng xuất khẩu, liên kết hình thành chuỗi phát triển công nghiệp.
Tỉnh đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng và phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện. Long An phấn đấu đến năm 2030 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%/năm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 46% - 48%. Tỷ trọng công nghiệp năng lượng trong GRDP đạt khoảng 11%. Tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1% - 1,5%/năm.
Tái cơ cấu các lĩnh vực chủ lực
Long An tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trên cơ sở tập trung 5 trụ cột: công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, để tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh và thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2025, Long An đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 60,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Năm 2023, khu vực công nghiệp - xây dựng khu vực II tăng trưởng từ 11% - 11,5%, góp phần tăng trưởng của tỉnh 8 - 8,5%.
Theo đó, Long An tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững; trong đó, chú trọng hướng đến phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học; công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa,...
Cùng đó, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Hình thành mới vùng công nghiệp tập trung tại đô thị Bến Lức. Phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến tại phía Bắc huyện Đức Hòa. Hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng tại Cảng quốc tế Long An. Hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu Long An (Kiến Tường).
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực như dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, ngành phát triển khi có cơ hội như điện tử - tin học và các lĩnh vực có liên quan như bao bì, nhựa... Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng, lao động sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp.
Long An cũng tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm; hướng tới những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn; sử dụng công nghệ cao; tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm công nghiệp.
Là doanh nghiệp công nghệ cao 100% vốn từ Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc), ông Kazuhisa Fukuo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tazmo Vietnam cho biết, công ty là doanh nghiệp chuyên thiết kế và sản xuất robot công nghiệp và các loại linh kiện, máy móc, thiết bị tự động hóa.
Công ty đã đầu tư hơn 150 loại máy móc công nghệ cao cho toàn bộ các công đoạn sản xuất như gia công cắt gọt kim loại, gia công kim loại mỏng, cắt kim loại bằng tia Laser, hàn điện công nghệ cao, xử lý tráng phủ bề mặt kim loại như sơn tĩnh điện, mạ Niken hóa, A–nốt nhôm,…
“Chúng tôi vẫn ấp ủ nguyện vọng mở rộng quy mô hơn nữa, do vậy sẽ vừa cải tiến, nâng cấp kỹ thuật công nghệ và đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại”, ông Kazuhisa Fukuo khẳng định.
Là doanh nghiệp về chiếu xạ và kho lạnh đầu tư tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức), ông Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Marketing, Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát và Công ty TNHH Kho vận Toàn Phát, thuộc TOANPHAT GROUP cho biết, trong 2 năm tới, công ty sẽ đầu tư khoảng 6 triệu USD để mở rộng hệ thống chiếu xạ nhằm nâng cao công suất, phục vụ đáp ứng cho sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu nông sản.
TOANPHAT GROUP đang phấn đấu để phát triển thành Trung tâm Logistics (Logistics HUB) hiện đại, thông minh cung cấp đầy đủ cả ba dịch vụ: Chiếu xạ - Lưu trữ - Vận chuyển hàng đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trương Văn Liếp, quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, Long An hiện là một trong các địa phương đứng hàng đầu cả nước về quy mô phát triển các khu công nghiệp. Theo quy hoạch đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp và quy hoạch thêm 28 cụm công nghiệp mới, nâng tổng số khu, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh lên con số lần lượt là 51 khu và 72 cụm, với tổng diện tích gần 16.500 ha.
Long An quy hoạch phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tại thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng. Tỉnh cũng sẽ xây dựng Khu kinh tế tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước trở thành động lực tăng trưởng mới theo hướng hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm logistics của tỉnh.
Ngoài ra, Long An còn đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.
Bài cuối: Tạo động lực tăng trưởng mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi