Tin tức - Sự kiện

Tái cơ cấu ngành công nghiệp - Bài cuối: Tạo động lực tăng trưởng mới

Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành công nghiệp cùng một mô hình quản trị Nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại, có tính thích ứng cao là một trong các giải pháp hiệu quả mà Long An đang áp dụng để tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế liên kết phát triển du lịch sự kiện, lễ hội / Yêu cầu hoàn thành dứt điểm hạng mục các cao tốc mới khai thác

Điều này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của địa phương.

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Để tái cơ cấu ngành công nghiệp hiệu quả, Long An thực hiện nghiêm túc chính sách và khung pháp luật hỗ trợ thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, tỉnh xây dựng và quy hoạch hệ thống các khu vực, nhà máy xử lý chất thải tập trung, có công nghệ cao, hiện đại và chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp sinh thái và tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp phát thải lớn.

Đặc biệt, các khu, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; các khu cụm công nghiệp không được tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết, Long An ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, lao động, phát thải carbon thấp đối với hàng hóa xuất khẩu; phát triển xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh. Tỉnh xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về các quy định, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn lao động,…

Cùng đó, tỉnh khuyến khích, thúc đẩy tiêu dùng xanh và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc phân phối và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh, carbon thấp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị xanh, thân thiện với môi trường

 

Là một trong những Khu công nghiệp đi đầu trong việc quy hoạch theo hướng xanh và bền vững tại Long An và khu vực phía Nam, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty Cổ phần Long Hậu - chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc) cho biết, Khu công nghiệp có quy mô gần 500ha. Công ty đã phát triển hệ sinh thái Khu công nghiệp toàn diện gồm: hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp (nhà máy cấp nước và xử lý nước thải tập trung, hải quan nội khu,…), hạ tầng xã hội (khu lưu trú, trung tâm dịch vụ,…).

Khu công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp sạch – công nghệ cao, công nghiệp không khói thải, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, kinh tế xanh. Đồng thời, xây dựng, áp dụng các cơ chế quản lý và biện pháp bảo vệ môi trường, đạt chứng chỉ ISO 14001:2015 về quản lý môi trường.

Với quan điểm “Phát triển bền vững gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường”, ông Lê Viết Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Hòa Bình (HBI) - chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) cho biết, Khu công nghiệp Hòa Bình ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích dự án có công nghệ sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng năng lượng và dự án có tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hệ thống hạ tầng Khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ. Hệ thống thu gom – xử lý – quan trắc nước thải được xây dựng và vận hành theo công nghệ tự động tiên tiến. Công ty thường xuyên tổ chức nhân sự theo dõi giám sát việc xả thải từ các doanh nghiệp; lập đội cây xanh chuyên bảo dưỡng, phát triển các mảng xanh trong khu công nghiệp, cũng như tuyên truyền bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp trong khu vực.

“Khu công nghiệp Hoà Bình cam kết đảm bảo duy trì việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời định hướng nhà đầu tư thứ cấp cùng xây dựng môi trường khu công nghiệp xanh gắn liền với sự phát triển bền vững”, ông Lê Viết Hà nhấn mạnh.

 

Để tái cơ cấu ngành công nghiệp hiệu quả, một trong các giải pháp được tỉnh Long An áp dụng là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư. Theo đó, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công trong lĩnh vực công nghiệp theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Túi Xách Simone Việt Nam (Cần Giuộc, Long An). Ảnh (tư liệu) minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, tỉnh tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào các dự án lớn, quan trọng của tỉnh, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa và gia tăng động lực tăng trưởng trong các ngành công nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư FDI vào ngành công nghiệp, năng lượng và hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, nhất là các dự án FDI có định hướng về sử dụng linh phụ kiện sản xuất trong nước, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, có liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, tỉnh tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nguồn điện và lưới điện. Đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức huy động vốn (vốn tín dụng ngân hàng, vốn viện trợ, thị trường trái phiếu...) nhằm thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng tái tạo.

Long An còn khuyến khích tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo hợp tác, liên kết và hỗ trợ nhau tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cao để hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư. Chú trọng đào tạo nghề gắn kết giữa doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời, có cơ chế phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết, tỉnh xây dựng và hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý nhằm thiết lập môi trường chính sách thuận lợi thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, công nghiệp sản xuất thông minh, các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng số, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng, đơn giản hóa và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính công về phát triển khoa học công nghệ (các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo).

 

Cùng đó, Long An nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trong đó, nghiên cứu, tạo động lực để củng cố và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tỉnh xây dựng và phát triển mạng lưới giữa các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước kết nối với các doanh nghiệp FDI. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, dệt may, da giày, thực phẩm…. Nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp sản phẩm tốt, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, để tự tạo dựng được vị thế riêng của từng doanh nghiệp.

Cũng theo bà Châu Thị Lệ, Long An còn tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh; sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, Long An cũng triển khai Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng như: đưa các chính sách, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các chính sách, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; hình thành bộ phận tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng tại doanh nghiệp; áp dụng quy trình, tiêu chuẩn về giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; phát hành các tài liệu hướng dẫn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chính sách của doanh nghiệp; triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn cho ban lãnh đạo, nhân viên và khách hàng của doanh nghiệp liên quan đến việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm