Tin tức - Sự kiện

Tấm thẻ BHYT như 'bùa hộ mệnh' của người bệnh

Thẻ BHYT được ví như "phao cứu sinh, bùa hộ mệnh" của người bệnh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT đạt hiệu quả nhất; bảo đảm chính xác, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Tăng giá tối đa dịch vụ khám bệnh cho người không có thẻ BHYT / Đề xuất giải pháp hỗ trợ đóng BHYT cho người trên 60 tuổi

Thời gian qua, nhờ việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã giúp hàng triệu người dân giảm bớt được nỗi lo về chi phí để yên tâm điều trị bệnh.

Được chi trả hàng tỷ đồng/đợt điều trị

Nằm một mình trên giường bệnh tại Khoa Lọc máu (Bệnh viện Bà Rịa), xung quanh chằng chịt dây truyền lọc máu, ông Nguyễn Trọng Tuyến (47 tuổi, ngụ xã Kim Long, huyện Châu Đức) kể mình bị suy thận giai đoạn cuối, đã chạy thận 7 năm. Vợ ông mất 15 năm nay, con trai duy nhất thì đi làm ăn xa, kinh tế cũng khó khăn. Dù mang trọng bệnh, ông Tuyến còn phải chăm lo cho bố mẹ già, cuộc sống càng chật vật. Vì vậy, tấm thẻ BHYT như “bùa hộ mệnh”, giúp ông giảm nhiều chi phí khám chữa bệnh (KCB).

kham-chua-benh-BHYT-4334-1608698020.jpg

Tính đến ngày 16/12/2020,số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán trên 97.158 tỷ đồng.

Hiện tại, mỗi tuần ông Tuyến phải đến bệnh viện lọc máu 3 lần. “Tôi chỉ phải lo tiền đi lại, mua thuốc bổ để tăng cường sức khỏe, tháng hết khoảng 2 triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản tiền điều trị, chắc chắn tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”, ông Tuyến nói.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hỷ, Trưởng Khoa Lọc máu cho biết, ông Tuyến chỉ là một trong nhiều bệnh nhân may mắn khi có BHYT tại Khoa Lọc máu. Hiện, Khoa Lọc máu có khoảng 400 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 300 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, định kỳ mỗi tuần 3 lần, mỗi lần có chi phí 556.000 đồng. Nếu có BHYT, bệnh nhân sẽ được chi trả toàn bộ chi phí này.

Hiện nay, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh được chi trả chi phí KCB lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.

Tính đến ngày 16/12/2020, theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đã có 159.103.739 lượt KCB BHYT, với số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán trên 97.158 tỷ đồng.

Trong đó có 81.342 bệnh nhân KCB BHYT nội trú với chi phí KCB từ 100 - 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú; 705 bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT nội trú với chi phí KCB từ trên 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 80 bệnh nhân KCB BHYT nội trú với chi phí KCB trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú.

 

Tăng giám sát việc sử dụng chi phí

Đơn cử, bệnh nhân có mã thẻ HC49191120XXXXX (địa chỉ tại ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) điều trị 2 đợt với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Đợt 1 (từ ngày 19/11/2019 - 17/1/2020) có tổng chi phí điều trị 7,95 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là tiền thuốc 7,80 tỷ đồng, tiền xét nghiệm 22,91 triệu đồng... số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 6,36 tỷ đồng; Đợt 2 (từ ngày 7/5/2020 - 17/5/2020), tổng chi phí điều trị là 3,07 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là chi phí thuốc 3,06 tỷ đồng..., số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 3,07 tỷ đồng.

Hay bệnh nhân có mã thẻ BT28383222XXXXX (địa chỉ tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Từ ngày 22/12/2019 - 5/2/2020, bệnh nhân có 2 đợt điều trị với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tổng chi phí điều trị 5,68 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là tiền thuốc 5,63 tỷ đồng, tiền máu 13,4 triệu đồng..., số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 5,68 tỷ đồng.

Bệnh nhân có mã thẻ BT28686216XXXXX (địa chỉ tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) có 4 đợt điều trị bệnh với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đợt 1 (từ ngày 26/11/2019 - 23/1/2020) có tổng chi phí điều trị là 1,84 tỷ đồng; đợt 2 (từ ngày 2/2 - 27/3/2020): 1,91 tỷ đồng; đợt 3 (từ ngày 24/4 - 27/4/2020): 3,49 tỷ đồng; đợt 4 (từ ngày 16/9 - 30/10/2020): 0,74 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách BHYT tăng cường hỗ trợ các địa phương sử dụng hiệu quả hơn nữa hệ thống giám sát KCB BHYT; cung cấp các thống kê, phân tích thông số về sử dụng thuốc, vật tư y tế gửi về BHXH các tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực này.

 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị BHXH các tỉnh, thành phốthực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam trong công tác quản lý quỹ, phối hợp thực hiện KCB BHYT nhưng cũng cần linh hoạt, cụ thể hóa vào điều kiện từng địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố cần làm tốt công tác phối hợp với ngành y tế cùng các sở, ngành liên quan để cùng vào cuộc, tăng hiệu quả giám sát, quản lý việc sử dụng chi phí KCB BHYT đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia.Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, liên ngành trong lĩnh vực này, kiên quyết xử lý các vi phạm...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm