Đà Nẵng: Bệnh viện bị cách ly y tế, bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT ở đâu?
Đà Nẵng: Phát hiện, tạm giữ thêm 29.000 khẩu trang y tế “ma” nơi căn tin khu nhà trọ / Đà Nẵng: Từ ngày 5/8, người đang cách ly y tế phải khai báo lộ trình di chuyển, tiếp xúc trong 14 ngày
Người bệnh có thẻ BHYT không biết khám, chữa bệnh tại đâu khi BV bị cách ly y tế?
Theo ghi nhận của Doanh nghiệp Việt Nam, mới 5h30 - 6h sáng 6/8 đã thấy có người phụ nữ ôm ngực ngồi khuỵu xuống, nhăn nhó, đau đớn bám tay vào cổng sắt BV đa khoa Hải Châu, chứng tỏ bà đã phải chịu đau suốt đêm qua, chờ sáng nay tới bệnh viện sớm. Cạnh đó là người đàn ông đi xe máy 43-D1 504.xx chở theo chăn, gối... đang gọi điện cầu cứu.
BVĐK Hải Châu bị cách ly, người bệnh phải tìm đến cơ sở y tế khác!
Thế nhưng sau bao nhiêu năn nỉ, cầu cứu vẫn bất lực, bà đành phải nén đau lên xe cho người thân chở đi tìm cơ sở y tế khác theo lời khuyên của cán bộ BVĐK Hải Châu, vì ở đây đã bị cách ly y tế từ 12h trưa 5/8 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng (gọi tắt là BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng) tại Công văn 164/BCĐ-SYT ngày 5/8.Tại Công văn này, BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng yêu cầu Giám đốc BVĐK Hải Châu nghiêm túc triển khai thực hiện việc cách ly tại cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời chỉ đạo Trạm Y tế phụ trách việc khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp đối với nhân dân trên địa bàn quận Hải Châu.
BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng cũng giao Sở Y tế Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP phân bổ hợp lý bệnh nhân có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là BVĐK Hải Châu sang cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn.
Sau khi thông tin được đăng tải, đã có nhiều bạn đọc phản hồi, cho rằng các cơ quan hữu quan cần có hướng dẫn cụ thể cho người dân nên đến các BV nào trong trường hợp BV mà họ đăng ký khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu bị phong tỏa, cách ly y tế.
“BVĐK Hải Châu phải có trách nhiệm làm việc, liên hệ với các BV khác không bị cách ly để có hướng dẫn và khám, điều trị cho bệnh nhân thuộc tuyến khám, chữa bệnh của mình trong thời gian BVĐK Hải Châu bị cách ly, không để bệnh nhân tình trạng như vậy!” – độc giả Đ.V.H. nêu ý kiến.
Trong khi đó, anh T.Q.T. đặt câu hỏi: “Đến bây giờ tôi không biết bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các BV Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng đang bị cách ly thì được chuyển sang khám tạm thời tại các cơ sở y tế nào? Ai biết thông tin giùm!”. Còn anh T.Đ.K. lo lắng: “Giờ đi chỗ khác lại không đúng tuyến bảo hiểm thì dân lại tốn nhiều tiền chữa bệnh nữa!”…
Hướng dẫn của Sở Y tế Đà Nẵng
Trước những mối quan tâm này, chiều 8/6, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết đã có Công văn 2898/SYT-QLHNYT về việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các BV bị cách ly y tế trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, nhằm đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT và chủ động điều tiết nguồn bệnh nhân có đầu thẻ khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu tại các BV đã bị cách ly y tế.
Theo đó, đối với trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại tuyến tỉnh/Trung ương mà các BV này bị cách ly y tế, Sở Y tế Đà Nẵng thống nhất với Bảo hiểm Xã hội TP khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các BV chuyên khoa tuyến cuối TP, BV đa khoa tuyến tỉnh/trung ương, tuyến quận/huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng thì vẫn được hưởng đúng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT.
Đối với trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại tuyến quận/huyện mà các BV này bị cách ly y tế, khi khám, chữa bệnh tại tuyến quận/huyện thì được hưởng quyền lợi là đúng tuyến như quy định của Luật BHYT; trong trường hợp bệnh diễn biến nặng hoặc chuyển tuyến trên điều trị thì được coi là đúng tuyến và được hưởng đúng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT.
Trong trường hợp bệnh nhân tự đến điều trị tại tuyến tỉnh/trung ương thì coi là trái tuyến và được hưởng quyền lợi như quy định của bệnh nhân vượt tuyến. Trường hợp tất cả các BV tuyến quận/huyện bị cách ly y tế thì khi bệnh nhân đến KCB tại tuyến tỉnh/trung ương thì được coi là đúng tuyến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo