Tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ còn nợ thuế gần 3.000 tỷ đồng / Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Năm 2023, các doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng Khoa học công nghệ- Đổi mới sáng tạo
Ngày 11/3, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, TP vùng ĐBSCL tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hợp tác KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, TP vùng ĐBSCL và ký kết thỏa thuận, hợp tác kết nối chung đến năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, TP Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, là động lực, đầu tầu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo,... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Với những đặc điểm và vị trí quan trọng đó, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong những năm qua đã phát huy được những hiệu quả tích cực, đã tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng mãi lực thị trường và nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.
Theo đó, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển KT- XH, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, TP vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội...
“Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Đồng thời, cũng là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp chiến lược phát triển KT-XH của cả nước”, ông Tam nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội nghị.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre giới thiệu vị trí, điều kiện, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bến Tre trong vùng ĐBSCL và cho biết tỉnh Bến Tre đã xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan; đây chính là thế mạnh để tỉnh phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu. Tài nguyên du lịch đặc thù gắn với đồng bằng ven biển, Bến Tre nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung có sức hấp dẫn cao đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được tập trung đầu tư, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng.
Tại hội nghị, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh các nội dung hợp tác chung giữa TP Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL, căn cứ nhu cầu, điều kiện, khả năng của các bên, TP Hồ Chí Minh còn hợp tác với từng tỉnh, TP vùng ĐBSCL.
End of content
Không có tin nào tiếp theo