Tháng 9 tới, toàn quốc có thể triển khai khám, chữa bệnh từ xa
RMIT giảng dạy tiếng Anh giao tiếp quốc tế cho công chức Chính phủ Việt Nam / Hà Nội: Gần 89.000 thí sinh thi vào lớp 10 hai môn đầu tiên Ngữ văn và Tiếng Anh
Điều này được GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây về tiến độ triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử với các bệnh viện, các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay theo Đề án khám chữa bệnh từ xa sẽ theo mô hình 1-N để nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả các bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, để qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn.
Bên cạnh đó, Đề án khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở tuyến dưới theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới với mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.
GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định, với những phương thức trên, khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại bệnh viện. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các bác sỹ giỏi của các bệnh viện dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để hỗ trợ tuyến dưới, các bệnh viện cần chọn và mời chuyên gia giỏi để thu hút người nghe, thông báo toàn tuyến.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - đơn vị được giao đầu mối hướng dẫn triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa chia sẻ, đây là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn tất cả các Bộ, ngành đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia. Sau 2 tháng triển khai thí điểm Đề án khám, chữa bệnh từ xa, BV Đại học Y Hà Nội đã thu được nhiều kết quả khả quan như: đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch COVID-19; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên- tuyến dưới; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện.
“Một tuần, BV Đại học Y Hà Nội thực hiện 2 buổi khám chữa bệnh từ xa, đến nay đã có 34 bệnh viện kết nối với BV Đại học Y Hà Nội và 89 bệnh viện đề xuất tham gia hội chẩn, trong đó có cả bệnh viện ở nước bạn Lào và Campuchia. Bệnh viện đã hội chẩn được 144 cuộc, đề xuất chuyển viện 28 ca và có 8 ca chuyển đến BV Đại học Y Hà Nội”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Cũng tại buổi họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên kết nối với 1.000 bệnh viện tuyến dưới để tham gia vào Đề án Khám, chữa bệnh từ xa nhanh nhất.
Đối với Hồ sơ bệnh án điện tử, GS.TS Thanh Long cũng cho biết, hiện Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đang phối hợp để quản lý, thống nhất hồ sơ sức khỏe điện tử. Trước mắt, sẽ thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử đối với khám, chữa bệnh ngoại trú.
GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng hướng dẫn triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa, Hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện vai trò điều phối trong quản lý công tác khám, chữa bệnh từ xa; Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng hướng dẫn thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa; Vụ Kế hoạch tài chính hướng dẫn sử dụng kinh phí...để các đơn vị sớm triển khai Đề án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo