Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tăng gấp 7 lần năm ngoái
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh vào các trường trong quân đội / Bộ GD&ĐT công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đến thời điểm này kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức ở đợt 1 đã nhận được trên 36.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, hơn 33.000 thí sinh xác nhận dự thi và trên 28.000 thí sinh đã hoàn tất nộp lệ phí dự thi.
Như vậy, so với tổng số thí sinh tham dự kỳ thi này của năm ngoái khoảng 5.000 thí sinh thì số lượng thí sinh đăng ký đợt 1 năm 2019 đã nhiều gấp 7 lần. Mặc dù lượng thí sinh tăng đột biến nhưng ông Chính cho biết: "Điều này nằm trong dự đoán của ĐH Quốc gia TP.HCM. Dù năm ngoái số lượng thí sinh chỉ 5.000 em nhưng từ thành công kỳ thi này đã thu hút được quan tâm của thí sinh trong năm nay cũng như tạo được tin tưởng của xã hội".
Điển hình, ngoài 8 đơn vị thành viên trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM còn có 17 trường ngoài hệ thống gồm 15 trường ĐH, 2 trường CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển trong năm nay.
Theo tiến sĩ Chính, mặc dù số lượng thí sinh lên đến hơn 36.000 em nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM không bị áp lực trong công tác tổ chức thi. "Trước đây, ĐHQG TP.HCM đã từng có kinh nghiệm tổ chức với số lượng thí sinh cao hơn số lượng này nhiều. Chúng tôi cũng đã lên phương án tổ chức và kiểm soát, đảm bảo kỳ thi diễn ra tốt nhất". Cũng theo ông, do có nhiều đơn vị sẽ sử dụng kết quả kỳ thi nên ĐHQG TP.HCM cũng phối hợp với các trường này trong công tác tổ chức như hỗ trợ địa điểm, cán bộ coi thi….
Đợt thi này sẽ được tổ chức vào ngày 31/3 tại TP.HCM và dự kiến tại Biên Hoà (Đồng Nai), Bình Dương. Kết quả đợt thi này sẽ được thông báo vào ngày 10/4 và sử dụng kết quả này để xét tuyển ĐH từ ngày 15/4.
Lưu ý với thí sinh dự thi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính khuyên rằng quá trình học tập học sinh phải có định hướng rõ ràng. Đối với kỳ thi này yêu cầu người học, người thi phải có năng lực tổng quát, phải học có cơ bản, không học tủ, không học lệch, có cơ bản, biết cách học, biết cách đọc, biết cách phân tích suy luận…
Nói chung là học tốt trong quá trình học tập phổ thông. Như vậy, phải có một quá trình chuẩn bị tốt. Song song với đó, cần phải có một quá trình chuẩn bị cho ngày thi mình làm tốt. Do đó phải giữ gìn sức khỏe, đảm bảo rằng trước hôm đi thi mình tỉnh táo, để ngày thi mình đạt hiệu quả tốt nhất.
Thí sinh cũng cần phải biết trước mình sẽ thi ở phòng nào, đến phòng thi đúng giờ, tránh việc bị động ảnh hưởng đến tâm lý thi. Thí sinh cần chuẩn bị dài hơi nhưng cũng lưu ý rằng đến gần ngày thi cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo đi đến phòng thi trong tình trạng tốt nhất. Một vấn đề quan trọng nữa mà thí sinh cũng cần có một số kỹ năng để làm bài thi. Với những câu hỏi khó quá, mình tạm thời chưa xử lý, mình dành thời gian xử lý những câu dễ dàng hơn, phải cố gắng không bỏ trống bất cứ câu hỏi nào.
Bài thi đánh giá năng lực sẽ gồm 120 câu trắc nghiệm với tổng thời gian làm bài là 150 phút. Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức tăng đột biến trong năm 2019.