Thị trường lao động: Thu nhập tăng, thưởng Tết tăng
Độc đáo quất bonsai chào Tết Quý Mão 2023 / Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022
Số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, so với cùng kỳ năm 2019, đời sống của người lao động hiện nay đã được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân tăng 14,5%.
Bình quânthưởng Tết Nguyên đánnăm nay cũng tăng 11% so với năm trước. Dù phải đối diện với nhiều thách thức, tuy nhiên quý I năm nay, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng, khoảng 350.000 - 400.000 lao động.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Số lao động mất việc làm khoảng 54.000, nhưng tổng hợp nhu cầu tuyển mới của doanh nghiệp trong trong quý IV/2022 và quý I/2023 là khoảng 377.000 người lao động, lớn hơn rất nhiều so với số lao động mất việc làm thời gian vừa qua. Chúng ta giải quyết tốt khâu tư vấn, giới thiệu việc làm, chuyển đổi việc làm… sẽ giải quyết vấn đề thiếu việc làm".
Tăng cường giới thiệu việc làm cho người lao động
Hỗ trợ tìm việc làm, cho nghỉ việc luân phiên, tăng tiền thưởng Tết... là những nỗ lực của doanh nghiệp, các cấp chính quyền để hỗ trợ, giữ chân người lao động. Tại TP Hồ Chí Minh, ngay khi các doanh nghiệp có báo cáo phải giảm lao động do thiếu đơn hàng, ngành chức năng đã lập tức giới thiệu việc cho người lao động.
Như người lao động ở Công ty Tỷ Hùng, được giới thiệu sang làm việc ở công ty may An Phước, Việt Tiến… 5 doanh nghiệp khác trên địa bàn quận 12 cũng đăng ký nhận hơn 800 công nhân ở công ty May Sun Kyoung Việt Nam. Hoặc các doanh nghiệp ở Củ Chi cũng nhanh chóng đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm để nhận công nhân ở công ty Samho về làm việc.
Ngay những ngày đầu năm 2023, thị trường lao động Việt Nam đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa.
Niềm vui của anh Lê Văn Việt (công nhân) và nhiều anh em công nhân khác là có việc ngay thời điểm cuối năm. Khi doanh nghiệp buộc phải cắt giảm việc làm, anh được giới thiệu để sang doanh nghiệp khác làm việc.
"Công việc của tôi tăng ca đều đều, công việc nói chung ổn. Tôi cũng nhận được tiền thưởng từ công ty, gói mua hàng 0 đồng, vé tàu xe về quê ăn Tết nên rất là vui", anh Việt chia sẻ.
Ông Vũ Văn Trịnh - Trường phòng Hành chính - Nhân sự, Tập đoàn Đại Dũng cho hay: "Chúng tôi tuyển dụng, phát tờ rơi, cũng tuyển được khoảng hơn 150 người lao động bị mất việc. Ngoài ra chúng tôi cũng sử dụng các kênh khác".
Để nhanh chóng có đủ hơn 1.000 lao động làm việc dài hạn tại các chuỗi công nghệ thông tin và hệ thống siêu thị, Tập đoàn Thế giới di động cũng tìm đến các Trung tâm giới thiệu việc làm để liên kết với người lao động.
Ông Trần Nhật Quân - Trưởng Bộ phận tuyển dụng Tập đoàn Thế giới di động nói: "Với lợi thế chúng tôi có nhiều ngành nghề khác nhau như buôn bán điện thoại, điện máy, nhu yếu phẩm, kho vận… chúng tôi trao đổi với họ phù hợp với công việc nào để phát huy thế mạnh".
Trung tâm Dịch vụ - Việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 13.000 - 14.000 vị trí việc làm chờ người lao động sau kỳ nghỉ Tết.
"Mong muốn của người lao động là trở về địa phương đón Tết cổ truyền xong thì quay lại các doanh nghiệp được tư vấn việc làm để nhận việc. Doanh nghiệp cam kết là nếu người lao động ở khu vực nào đông cũng bố trí xe để đón người lao động lên nhận việc sau Tết", ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết.
Sau Tết, các phiên giao dịch việc làm sẽ đồng loạt tổ chức để kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Nhân sự ở các Trung tâm Dịch vụ - Việc làm sẽ có mặt tại bến tàu, bến xe để hỗ trợ người lao động lên nhận việc mới.
Nhiều giải pháp chăm lo Tết cho người lao động
Để người lao động nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng, có liên kết với doanh nghiệp ngay trong những ngày nghỉ Tết, các địa phương còn đăng tải thông tin lên các sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Bên cạnh đó, chính sách an sinh để giữ chân người lao động cũng được trú trọng khi Tết Nguyên đán cận kề.
Chăm lo cho người lao động thiếu việc, có hoàn cảnh khó khăn… là ưu tiên của ngành chức năng trong giai đoạn này. Năm nay, các hoạt động thường niên như Tết sum vầy, tặng quà, vé tàu, xe về quê đón Tết... vẫn tiếp tục được thực hiện.
Gói hỗ trợ trên 500 tỷ đồng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang được phân bổ về các địa phương để chăm lo Tết cho công nhân. Năm nay, các cấp công đoàn cũng tăng cường tổ chức các phiên chợ Tết dành cho công nhân để họ được mua sắm với giá cả tốt nhất.
Công nhân của một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho biết, họ đã được nhận quà Tết lần thứ 3 trong tuần. Bên cạnh quà của doanh nghiệp, của địa phương, công đoàn thành phố cũng tổ chức phiên chợ mua sắm đặc biệt. Người lao động được phát 200.000 đồng tiền mặt và 300.000 đồng phiếu mua hàng.
"Những phần quà sẽ giúp được một phần gánh nặng chi phí về quê ăn Tết, vé tàu vé xe, chi phí sinh hoạt trong thời gian nhất định để cho người lao động bớt khó khăn hơn", anh Võ Ngọc Hiền - một công nhân chia sẻ.
Chị Dương Thị Tố Trang - công nhân nói: "Năm nay tất cả hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, thưởng Tết cho công nhân đều rất sớm. Hỗ trợ công nhân rất nhiệt tình giúp cho mình có thể thu xếp công việc về quê ăn Tết sớm hơn".
Nhiều doanh nghiệp sẽ hỗ trợ xe đưa công nhân về quê đón Tết. Ảnh minh họa.
Ngoài qùa Tết, công nhân xa quê còn được tặng vé tàu xe để về quê.
Bà Vũ Thế Vân - Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nhiều doanh nghiệp có chương trình tặng vé tàu Tết, tấm vé nghĩa tình cho những gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, dự kiến là khoảng 1.500 vé. Ngoài ra còn tặng vé máy bay, vé xe về quê cho những công nhân có thành tích".
Bên cạnh quỹ công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vận động mọi nguồn lực tham gia, để chăm lo cho nhiều người lao động hơn.
"Xã hội hoá các nguồn lực, công đoàn có thể tìm kiếm từ doanh nghiệp, xã hội, các tổ chức và nhất là sự tham gia của các địa phương. Từng địa phương cũng bỏ mộtnguồn kinh phí cụ thể để hỗ trợ người lao động bởi đây là cách giữ chân người lao động", ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay.
Tiếp sau cácphiên chợ Tết 0 đồngsẽ là các hoạt động Tết sum vầy, họp mặt công nhân lưu trú, công nhân xa quê, diễn ra từ 24 Tết.
Gạo, mắm, thực phẩm mùa Tết hay là vé Tàu xe cho công nhân về quê đón Tết… những hoạt động chăm lo thiết thực như thế này đã giúp người lao động có cái Tết trọn vẹn hơn. Đây cũng là cơ sở để người lao động gắn bó với công việc, với nhà máy và sẽ quay trở lại làm việc ngay khi kỳ nghỉ lễ kết thúc.
Ưu tiên hiện nay là duy trì thị trường lao động linh hoạt để đảm bảo sự bền vững, trong đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, giảm thiểu thời gian chờ việc, kết nối nhanh cho người lao động tiếp cận việc làm…. được ngành chức năng và doanh nghiệp tuân thủ thực hiện. Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, mà ngay cả người lao động cũng cần linh động trong việc tìm kiếm, sắp xếp việc làm để thích ứng với các tình huống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo