Thủ đô Hà Nội cần phát triển như thế nào để vừa hiện đại vừa văn hiến?
Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị tai nạn hy hữu / Thông cáo báo chí ngày làm việc thứ 3 Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII
Xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những quan điểm được xác định rõ trong Nghị quyết, đó là: Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Do đó, Hà Nội phải trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Nghị quyết nêu rõ: Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Nghị quyết xác định mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hà Nội còn nhiều quy hoạch cần hoàn thành
Việc phát huy được lợi thế về vị trí của Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào công tác quy hoạch xứng tầm, cùng với chất lượng quản lý và thực hiện quy hoạch. Vì thế mà trong Nghị quyết Bộ Chính trị đã yêu cầu Hà Nội phải "nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch".
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử; quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện...
Sơ đồ quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử Hà Nội.
Tuy nhiên thực tế thì công tác xây dựng quy hoạch của Hà Nội còn chậm, thậm chí có thời điểm Hà Nội là một trong hai thành phố trực thuộc Trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất. Cho đến nay, thủ đô Hà Nội còn nhiều quy hoạch cần hoàn thành như: quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh; Quy hoạch chiếu sáng đô thị; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ…
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện phát triển thành quận và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện nữa thành quận. Đồng thời xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và vùng Hòa Lạc, Xuân Mai. Đi cùng với đó là quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống và đầu tư xây dựng thêm các cầu qua 2 con sông này.
Thách thức lớn trong phát triển Thủ đô vừa hiện đại vừa văn hiến
Nghị quyết của Bộ chính trị cũng nêu rõ phương hướng phát triển của Hà Nội tới đây là: Kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế; và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá. Trong đó văn hoá, con người... vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Hà Nội của năm 2022 tròn 1012 tuổi - một thủ đô hiếm hoi trên thế giới có bề dày văn hóa lịch sử hơn 1000 năm. Trong suốt 11 thế kỷ Hà Nội có nhiều khu phố mới được hình thành, những cao tốc, cầu đường, tòa nhà hiện đại...đan xen những đình làng, cổng làng kiến trúc cổ. Đó là hình ảnh trực quan cho sự phát triển hiện đại đan xen những giá trị truyền thống. Làng lên phố, và có phố ở trong làng tạo nét đặc sắc cho mảnh đất kinh kỳ. Thế nhưng để vừa trở thành một thủ đô vừa hiện đại vừa văn hiến là một thách thức rất lớn.
Cổng làng Đông Xá
Di sản của phố làng, làng phố là sự cộng hưởng của những giá trị văn hóa riêng có của Hà thành. Chất mộc mạc của làng quê xen lẫn phố thị. Kẻ Cót với 4 làng Mỗ, La, Canh, Cót thành phường Yên Hòa, Cầu Giấy ngày nay.. Kẻ Mọc với làng Vòng nức tiếng, Kẻ Mơ với ao làng, giếng cổ, chợ truyền thống...Ngày nay, những chiếc cổng làng xưa không còn hợp với đường bê tông đô thị, nhưng chẳng còn mấy ai quan tâm đến sự khác lạ đó khi cổng làng, làng xưa đã luôn ở trong tiềm thức.
Vòng xoáy của đô thị hóa biến các ngôi làng như Ngọc Hà, Xuân Đỉnh, Định Công chỉ còn trong ký ức hay trong những bức bích họa trên tường. Bóng dáng còn lại của làng Hà Nội vẫn còn ở những ngôi làng ven đô như Đông Ngạc, Đường Lâm, Cự Đà...Những ngôi làng cổ nhưng không nằm ngoài vòng xoáy của cơn lốc đô thị hóa.
Những phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045 được Bộ Chính trị đề ra đối với Hà Nội là rất nặng nề, Hà Nội sẽ phải huy động một nguồn lực rất lớn. Vì thế, Hà Nội dứt khoát không thể theo nếp nghĩ và cách làm cũ "Hà Nội không vội được đâu". Bởi Nghị quyết của Bộ Chính trị có tầm nhìn xa và lớn, còn Hà Nội thì phải hành động và thực hiện ngay từ những việc nhỏ nhất.
Nếu không thay đổi nhanh thì việc nhỏ nhất cũng sẽ trở thành việc lớn và như thế Hà Nội sẽ lại tiếp tục luẩn quẩn trong cái bóng của chính mình mà không thể động lực thúc đẩy phát triển của Bắc Bộ và cả nước, cũng như có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo