Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Việt Nam cần một lộ trình để tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch
44 hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Bình nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 / Giám đốc Sở Du lịch Bình Định mất chức do đi chơi golf trong thời gian giãn cách xã hội
Tác động của đại dịch COVID-19 lên ngành du lịch
Tại Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển” diễn ra tại Nghệ An vào sáng 25/12, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, đại dịch COVID-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950 và đặt dấu chấm hết cho giai đoạn 10 năm tăng trưởng liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009.
Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kì năm 2019. Tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Cũng theo Thứ trưởng, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như: Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Việt Nam cần một lộ trình để tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch.
Giải pháp phục hồi
Để du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã đưa ra một số giải pháp đề xuất cụ thể như sau:
Thứ nhất, chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay, giảm bớt sự tan rã hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay.
Thứ ba, chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: Phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực..); Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai chất lượng cao.
Theo Thứ trưởng, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện bảo đảm an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt. Tuy nhiên, kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với COVID-19 là điều hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Chính vì thế, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để bảo đảm từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua.
“Chính vì thế, hơn lúc nào hết, những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương lai là vô cùng cấp thiết để du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo