Thủ tướng: Cần cơ chế gì để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 / Thủ tướng quyết định xuất cấp 480 tấn gạo hỗ trợ tỉnh Quảng Trị
Theo Thủ tướng, phương thức quản lý mới với sự linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả hơn trong hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh cả về thời gian và không gian vùng lãnh thổ, nếu làm tốt hơn, điều hành sát hơn, khoa học hơn sẽ góp phần làm thay đổi căn bản đời sống xã hội và toàn bộ nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, việc rà soát, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm là một yêu cầu quan trọng, cấp bách; tạo khả năng đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Vì vậy, Chính phủ chủ trương tổ chức các hội nghị về từng vùng kinh tế trọng điểm để phân tích, lắng nghe, đánh giá kỹ; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xử lý những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững từng vùng và cả nước, Thủ tướng nói.
Sau Đại hội VI, Đảng, Nhà nước chúng ta đã có chủ trương hình thành các vùng kinh tế động lực và lựa chọn một số tỉnh, thành phố để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia có khả năng bứt phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, đẩy mạnh hội nhập, tạo sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác trên cả nước cùng phát triển nhanh và bền vững.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có trung tâm là tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và là vùng kinh tế lớn thứ 2 của cả nước (chiếm 32% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, 30% xuất khẩu cả nước).
“Tại hội nghị này, chúng tôi muốn lắng nghe các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đã ban hành như quy hoạch phát triển giao thông, văn hóa gia đình, thể dục thể thao, du lịch, quản lý chất thải rắn, cấp nước… vùng Bắc Bộ xem có vấn đề đặt ra”, Thủ tướng nói. “Chúng ta nhận thức được tiềm năng, lợi thế vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có, hơn hẳn những vùng kinh tế khác, nhất là kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực”.
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 9,86%; GDP đầu người năm 2018 đạt trên 4.800 USD, gấp 1,85 lần so với bình quân cả nước. Đặc biệt, đây, là vùng duy nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước có 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có điều tiết về ngân sách Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có rất nhiều thuận lợi với cả 3 yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, nếu sớm giải quyết, tháo gỡ thì vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Cụ thể, theo Thủ tướng, vùng chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng, nhất là về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị, bảo đảm an ninh trật tự...
Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các địa phương trong vùng có sự chênh lệch lớn (Quảng Ninh thứ 1, Hà Nội thứ 9, Vĩnh Phúc thứ 13, Bắc Ninh thứ 15, Hải Phòng thứ 16, Hải Dương thứ 55, Hưng Yên thứ 58).
Để hội nghị đạt kết quả thiết thực, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trong đó tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp với nội hàm mới, cụ thể, thiết thực trong cả ngắn hạn và dài hạn, trước hết là những giải pháp tập trung cần tập trung thực hiện ngay trong năm nay và năm 2020. Để phát triển đột phá, trong đó lưu ý một số nội dung gồm đánh giá thực trạng tình hình kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó cần đánh giá cụ thể về kết quả so với mục tiêu đề ra, nhất là những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện.
Thủ tướng đề nghị thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đối với cả vùng và từng địa phương, đề xuất, kiến nghị về đổi mới cơ chế, chính sách, nhất là về đầu tư, tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, phân cấp, giao quyền... để tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng. “Vùng này tiếp theo có trồng lúa không, chuyển đổi như thế nào, đô thị làm sao, khu công nghiệp thế nào, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, hướng về xuất khẩu thế nào?”.
Thủ tướng và các đại biểu thăm một số gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đề nghị hội nghị thảo luận về đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng, “đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đang loay hoay, chưa thực hiện hiệu quả”. “Tôi đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần có cơ chế gì để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng”.
Thủ tướng mong rằng, sau hội nghị này, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học; các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó có các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm nói chung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tạo sức lan tỏa lớn và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
“Chúng ta có bước tiến về đóng góp chung cho cả nước, về thu ngân sách, về chuyển dịch cơ cấu, nhưng chúng tôi muốn vùng phải làm nhiều hơn nữa, rõ nét hơn nữa, quy mô cao hơn nữa”, Thủ tướng nói./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển