Thủ tướng: Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Hỗ trợ lao động mất việc phải nghỉ Tết sớm / Thủ đoạn tinh vi của tội phạm cá độ bóng đá
Sáng nay (6/12), chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, dù chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng trân trọng, nhưng phía trước còn rất nhiều việc phải làm, bởi khó khăn thách còn rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu phải kiên trì mục tiêu "ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế".
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, cuối tháng 10, đầu tháng 11 tình hình thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt, chính sách chống lạm phát của các nước tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Giá nguyên vật liệu biến động liên lục. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế của các nước chậm lại, nhiều nước tăng trưởng âm. Ở trong nước, sau hơn 2 năm chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp đã bị "bào mòn".
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đã tổ chức 3 hội nghị để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thủ tướng Phạm Minh chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ. (Ảnh: TTXVN)
Từ tháng 10 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ đã có gần 50 văn bản chỉ đạo, điều hành để xử lý, ổn định tình hình. Các giải pháp trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ đã rà soát, có nhiều biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa các loại thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và một số ngân hàng yếu kém.
Ngoài những tác động tích cực là chủ yếu, các biện pháp quyết liệt trên cũng phần nào tác động đến tâm lý thị trường, bị một số người lợi dụng làm méo mó, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, đây là việc phải làm để thiết lập lại trật tự, đưa các thị trường về đúng bản chất, hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong mọi hoàn cảnh. Đến nay, niềm tin thị trường đang từng bước được tăng cường, củng cố và kinh tế xã hội 11 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng.
Thủ tướng nhận định, thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức như còn những rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, yêu cầu phải bám sát tình hình, diễn biến các thị trường, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân; dự báo các khó khăn, rủi ro để có giải pháp ứng phó hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.
"Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, bền vững, đúng pháp luật, đúng mục tiêu. Song song với việc mở rộng hạn mức tín dụng thì phải tăng cường giám sát kiểm tra, tránh tiêu cực, tránh đầu cơ, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi; đảm bảo thanh khoản cho các doanh nghiệp hoạt động đúng hướng, lành mạnh và đặc biệt chống sở hữu chéo, lợi dụng chính sách để trục lợi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đối với các lĩnh vực như hàng không, thuốc, trang thiết bị y tế, xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu, quy luật thị trường, nhưng khi có vấn đề đột xuất thì phải có công cụ quản lý của Nhà nước để ổn định lại thị trường, ổn định giá cả phù hợp với thu nhập của người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá kỹ và cơ cấu lại thị trường lao động phù hợp giữa số lao động mất việc và nhu cầu tuyển dụng; xây dựng và triển khai ngay chính sách hỗ trợ người thất nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo trong dịp Tết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Du lịch là cầu nối quan trọng để các nước hợp tác tiến vào kỷ nguyên mới
Kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đạt hơn 9,5 tỷ USD
Không gian Tết Việt bên bờ biển Đà Nẵng thu hút du khách
Vựa hoa, cây cảnh lớn nhất Quảng Ninh và câu chuyện đầu ra
Nỗ lực quản lý tài nguyên thiên nhiên tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới