Thủ tướng: Người thầy phải thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tránh tình trạng hợp đồng giáo viên theo mùa vụ, theo tiết học" / Giải gấp bài toán thừa thiếu giáo viên
Bày tỏ xúc động gặp gỡ gần 200 nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người”, đại diện cho 1,3 triệu nhà giáo cả nước vào dịp cả nước hướng về tri ân các thầy cô, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới lãnh đạo, các nhà giáo lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho biết vừa có chuyến tham dự Hội nghị cấp cao tại APEC tại Papua New Guinea, tại đây, khi thảo luận về các vấn đề trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đã đặt câu hỏi với lãnh đạo nhiều nền kinh tế và các tổ chức quốc tế lớn, những nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong kỷ nguyên số đối với nền kinh tế. Câu trả lời là giáo dục. Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục quyết định sự phát triển của xã hội.
Nhấn mạnh dân tộc ta có truyền thống quý báu là “tôn sư, trọng đạo”, Thủ tướng cho biết, trong bất kỳ thời kỳ, giai đoạn nào, người thầy giáo luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với việc truyền bá tri thức mà còn gắn với lòng nhân ái, trong sáng, mẫu mực.
Từ những câu chuyện cụ thể đó, Thủ tướng cho biết, trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục - đào tạo luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc. Ph.Engels đã khẳng định: “Một dân tộc muốn đứng lên trên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, dân tộc ấy phải có tri thức”. Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu là "tôn sư, trọng đạo", “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cho nên, trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực.
Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”, Thủ tướng cho biết, một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo.
Vì thế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên đã bảo đảm cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Giáo dục đào tạo và dạy nghề đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là giáo dục mầm non hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi và đang tiếp tục mở rộng phổ cập ở những lứa tuổi thấp hơn; giáo dục phổ thông được thế giới ghi nhận thông qua các đánh giá xếp hạng và các giải thưởng quốc tế; giáo dục đại học có bước chuyển mình mạnh mẽ trên các bảng xếp hạng thế giới, khu vực và đang tiến tới tự chủ bằng uy tín và chất lượng đào tạo.
Theo Thủ tướng, đóng góp công sức nhiều nhất vào những thành quả đó không ai khác, chính là đội ngũ giáo viên. Để có thành quả phổ cập giáo dục mầm non là hàng ngàn cô giáo với đời sống còn khó khăn nhưng không quản ngại ngày đêm vừa chăm nuôi, vừa dạy dỗ, vừa làm cô, vừa làm mẹ. Để có thành quả ghi nhận của thế giới với bậc học phổ thông là các thầy cô miệt mài đổi mới, sáng tạo không ngừng trong giảng dạy và hàng vạn giáo viên vùng sâu, vùng xa sẵn sàng nửa đêm đốt đuốc đi tìm học trò đến lớp. Để có thành quả trên bảng xếp hạng đại học thế giới, biết bao những giảng viên luôn nỗ lực, sáng tạo vượt qua chính mình trong nghiên cứu và giảng dạy. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết.
Thủ tướng nhấn mạnh, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Muốn có những học sinh giỏi thì phải có người thầy tốt. Học sinh sẽ chỉ được tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của những người giáo viên thật sự có năng lực và tâm huyết. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học người thầy phải “gieo mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội.
Mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, phải có năng lực dạy học, năng lực cảm hóa, giúp người học hình thành và phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi đúng đắn trong tương tác giữa con người và với xã hội, tự nhiên.
Người thầy phải thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ. Làm thầy đã khó nhưng để trở thành người thầy tốt thì càng khó hơn. Người thầy tốt là người thầy phải có “tâm”, có “tài”. Người thầy có tâm là người yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hứng thú, say mê chăm chút từng tiết giảng, bài giảng; thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. Cái “tâm” này sẽ là điều kiện, là chất xúc tác để duy trì và phát triển cái “tài” của người thầy.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến.
Thủ tướng đề nghị khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ và phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhất là công tác tham mưu, xây dựng chính sách. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông hơn nữa để cả xã hội thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhà giáo và đồng hành trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.
Từng gia đình cũng phải có trách nhiệm với ngành giáo dục trong sự nghiệp giáo dục, nhất là đạo đức công dân. Các cơ sở giáo dục đào tạo quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ và phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, đồng thời quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã lắng nghe, trực tiếp giải đáp một số vấn đề mà các thầy giáo, cô giáo quan tâm, nêu ra như về vấn đề liên thông, tự chủ, đào tạo theo nhu cầu xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao