Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng: Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước

Thủ tướng nhấn mạnh, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước là một trong 3 nội dung chính của “chiến lược vaccine”.

Chấn chỉnh, xử lý việc "tiêm vaccine không cần đăng ký" / Không để xảy ra việc lựa chọn hoặc chờ đợi tiêm loại vaccine COVID-19 khác

Chiều 23/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine, các nhà khoa học về công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước. Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam dự cuộc làm việc bằng hình thức trực tuyến từ đầu cầu TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp trực tuyến về sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước rất phức tạp, khó lường. Dịch bệnh và việc phòng, chống dịch không có tiền lệ, vì vậy, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chúng ta cần tập trung các biện pháp cơ bản: Luôn luôn chủ động, đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan mất cảnh giác trước dịch bệnh; thực hiện chiến lược vaccine; nâng cao ý thức của người dân, chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch nói riêng và trong chấp hành Luật pháp và quy định của Đảng, Nhà nước nói chung.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong thực hiện “chiến lược vaccine” gồm 3 nội hàm là: Nhập khẩu vaccine; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho toàn dân. Cả 3 nội dung công việc trên đều đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt.

Đối với vấn đề sản xuất vaccine trong nước, Chính phủ đã sớm ý thức được tầm quan trọng của việc này nên đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo từ sớm và thường xuyên, liên tục, sát sao. Cuộc họp lần này nhằm đánh giá lại khả năng, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ở trong nước; rà soát những vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, thúc đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước, với tinh thần là không cầu toàn nhưng không nóng vội, phải đảm bảo kịp thời nhưng đảm bảo khoa học, an toàn và hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cả nước có 02 ứng viên vaccine phòng COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế; Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài, hiện có 03 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các đối tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga. Hiện, các doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất, với công suất từ 200-300 triệu liều vaccine/năm.

Bộ Y tế cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ việc nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, đặc biệt là tháo gỡ đối với một số vướng mắc về thể chế, cơ chế như về cấp phép vaccine phòng, chống dịch...

Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết vaccine Nanocovax đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Về tiến độ và kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccineNanocovax, Trung tướng Đỗ Quyết Giám đốc Học viện Quân y cho biết đơn vị đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đến ngày 22/7/2021, đã hoàn thành tiêm mũi 1 của giai đoạn 3 cho 13.007 người tình nguyện để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine, hoàn thành tiêm mũi 2 cho 977 người tình nguyện. Dự kiến ngày 15/8/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3.

Về tiến độ và kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC hiện đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine giai đoạn 1 cho 120 người tình nguyện từ 18-59 tuổi với mục tiêu chính là đánh giá bước đầu tính an toàn trên người tình nguyện và lựa chọn 3 công thức phù hợp nhất để chuyển sang giai đoạn 2.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm