Tin tức - Sự kiện

Thương mại điện tử sẵn sàng cho cao điểm Tết

Cận Tết Quý Mão, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng lớn, ước tính tăng 30 - 50%. Các sàn thương mại điện tử, hãng giao nhận đã sẵn sàng cho cao điểm Tết.

Tạo cơ hội để quýt hồng Lai Vung phát huy giá trị kinh tế / Đề nghị trình Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu phi thuế quan TP Đà Nẵng

Nhu cầu mua sắm Tết trực tuyến tăng trưởng mạnh

Mua sắm Tết trực tuyến và nhận hàng tại cơ quan là thói quen của nhiều người khi Tết năm nay đến khá sớm và nhiều người đang bận rộn để hoàn thành nốt công việc vẫn còn đọng lại.

"Tôi thấy trên các trang thương mại điện tử hiện nay, việc mua sắm quần áo, các quà Tết đã đa dạng hơn. Đó cũng là lựa chọn thuận tiện cho dân văn phòng khi không phải ra ngoài đường quá nhiều để lựa chọn", chị Nguyễn Mỹ Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.

Theo các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng gia dụng, nội trợ, thực phẩm luôn thuộc nhóm bán chạy. Ước tính, nhu cầu mua sắm sẽ tiếp tục tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường. Các sàn cho biết về cơ bản đã sẵn sàng và đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu từ nay cho tới Tết Âm lịch.

Thương mại điện tử sẵn sàng cho cao điểm Tết - Ảnh 1.

Các sàn thương mại điện tử cho biết đã sẵn sàng và đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu từ nay cho tới Tết Âm lịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Cũng như mọi năm, chúng tôi luôn có kế hoạch chuẩn bị khi sản lượng tăng cao. Chúng tôi cũng đảm bảo hoạt động 24/7 để phục vụ khách hàng tốt nhất. Về nhân sự, chúng tôi luôn trực sẵn offline và online để đảm bảo thông tin đến với khách hàng nhanh nhất", ông Phạm Văn Tuyên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần bưu chính Viettel, cho biết.

"Năm nay Tết Dương lịch và Âm lịch khá sát nhau. Nguồn tiền tài chính của năm cũ cộng với các khoản lương thưởng sẽ về tương đối sớm. Vì vậy các hộ gia đình có khả năng chi tiêu cao nên quý I/2023, mức chi tiêu cho thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng", ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử, đánh giá.

Trong năm qua, Việt Nam ghi nhận thêm 4 triệu người tiêu dùng số. Theo nghiên cứu của Meta và Bain&Company, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể lên tới 49 tỷ USD.

Với việc Tết Nguyên đán năm nay sớm hơn mọi năm, người tiêu dùng có một mùa mua sắm dài liên tục từ Online Friday, 12/12 tới Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết cổ truyền. Theo các chuyên gia, đây cũng là điểm thuận lợi để các thương hiệu đẩy mạnh kênh online của mình. Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng rõ rệt, lượng đơn hàng tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Sử dụng băng chuyền thông minh giúp xử lý hàng nhanh gấp 10 lần

 

Hiện nay, các hãng giao nhận đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho các khách hàng.

Theo ghi nhận, tại một dây chuyền ở trung tâm chia chọn của một sàn thương mại điện tử, những gói hàng được gắn mã QR khi đi vào sẽ được camera nhận diện và định vị chính xác địa chỉ. Băng chuyền thông minh sẽ gạt món hàng về đúng vị trí của lô hàng. Nhờ vậy, băng chuyền có thể xử lý tới 20.000 gói hàng mỗi giờ, gấp 10 lần so với chia chọn thủ công và sai sót gần như không đáng kể.

Bên cạnh đó, nhân sự cũng là bài toán các doanh nghiệp logistics phải xử lý khi đúng dịp cao điểm cũng là thời điểm nhiều shipper thời vụ sẽ nghỉ việc để về quê.

Đảm bảo tiến độ giao nhận hàng hóa dịp cận Tết

Liên tục tuyển dụng tài xế, đưa ra những chế độ đãi ngộ ưu tiên trong dịp Tết là biện pháp hãng giao nhận Ahamove đang sử dụng để có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu giao nhận tăng cao.

 

"Thời điểm Tết có thể tăng trưởng 200 - 300% so với thời điểm thấp điểm. Từ đầu tháng 12, chúng tôi đã tích cực tìm tài xế, đồng thời triển khai các hoạt động giữ chân tài xế cũ để làm sao họ có thể chạy và giao hàng cho khách hàng đến tận những ngày sát Tết cuối cùng", bà Ngô Thị Như Quỳnh, Giám đốc Marketing Công ty dịch vụ tức thời Ahamove, cho biết.

Bên cạnh đó, Tết cũng là dịp để đội ngũ công nghệ thông tin phát huy. Tối ưu đường đi, tối ưu danh sách hàng hóa. Nếu mỗi tài xế tiết kiệm được 1km di chuyển mỗi ngày thì doanh nghiệp đã tiết kiệm được hàng chục ngàn km với hàng trăm giờ di chuyển.

Thương mại điện tử sẵn sàng cho cao điểm Tết - Ảnh 2.

Hiện nay, các hãng giao nhận đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho các khách hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Việc gia tăng áp lực lên hệ thống kho vận và logistics trong mùa cao điểm là thiết yếu. Chúng tôi đầu tư bài bản vào công nghệ tự động hóa và cơ sở dữ liệu, cụ thể là AI giúp tối ưu hóa hoạt động xử lý đơn hàng, chia chọn hàng hóa, thiết kế tuyến đường giao nhận và phân bố nguồn lực", bà Lưu Hạnh, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, cho hay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn từ 8/1 sẽ giúp nguồn hàng hóa phong phú hơn, hoạt động thương mại điện tử, giao nhận đáp ứng nhu cầu Tết cũng cải thiện đáng kể.

 

"Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế giúp các nhà máy sử dụng nguyên liệu này có nguồn hàng ổn định, đều đặn tốt hơn. Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc khá sôi động, do đó dỡ bỏ hạn chế sẽ giúp việc luân chuyển hàng hóa giữa hai nước nhanh chóng và kịp thời gian, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.

Các chuyên gia cũng đánh giá, thương mại điện tử, thị trường giao nhận nội địa sẽ duy trì trạng thái tốt từ nay cho đến hết quý II/2023 và có thể chững lại đôi chút vào cuối năm. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng trong năm tới vẫn sẽ đạt từ 10 - 15%

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm