Tiết kiệm điện thế nào cho thực sự hiệu quả?
Diễn biến mới liên quan đoạn ghi âm “mặc cả với nhà thầu” tại Cà Mau / Đà Nẵng tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông
Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; đến hết năm 2025 phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Thủ tướng chỉ đạo, tăng cường thực hiện tiết kiệm điện đồng bộ tại cơ quan, công sở, hộ gia đình, chiếu sáng công cộng, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, trong đó đặc biệt chỉ thị việc thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.
Tiết kiệm điện là một chiến lược dài hạn, được Việt Nam xây dựng một lộ trình dài từ nhiều năm qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp
Mặc dù phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình thức.
Nhiều doanh nghiệp nghi ngờ việc có thực sự hiệu quả kinh tế không khi triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cân đối như thế nào về bài toán đầu tư và hiệu quả?
2,6 triệu USD là vốn vay Công ty Thành Thành Công Biên Hòa đã nhận để triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Với số tiền này, công ty đã tiến hành nâng cấp trung tâm lục độ thông qua việc nâng cấp bộ hâm nước và hệ thống xé bã mía.
"Tiết kiệm năng lượng là một cái điểm gọi là mấu chốt nhất. Đó là một điều tất yếu để sản xuất kinh doanh được hiệu quả và giảm được giá thành sản phẩm. Nếu mình triển khai đúng, tiết kiệm đúng thì mình khai thác tất cả các thiết bị hiệu quả tốt nhất", ông Lê Đức Tôn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, cho biết.
Còn đối với ngành xi măng, công nghệ thu hồi nhiệt khí thải để phát điện có hiệu quả rất cao. Nó không chỉ giảm phát thải bụi và khí ra môi trường, tăng tuổi thọ của thiết bị và cung cấp khoảng 30% điện năng sử dụng trong các nhà máy xi măng. Từ vốn vay, Công ty CP Vissai Ninh Bình đã là số ít đơn vị có thể lắp đặt hệ thống này.
"Chúng tôi giảm được 1/3 giá thành điện trên 1 tấn sản phẩm. Hàng tháng, đối với 2 dây chuyền, chúng tôi giảm được khoảng 10 tỷ tiền điện", ông Đỗ Đức Thắng, Giám đốc Sản xuất, Công ty CP Vissai Ninh Bình, cho hay.
Không chỉ là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, một số đơn vị còn được đầu tư nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.
Xuất hiện thiết bị tiết kiệm điện giả mạo
Bên cạnh nhóm sản xuất công nghiệp, nhóm người tiêu dùng là nhóm tiêu thụ điện lớn thứ hai của nước ta. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, cộng đồng cũng rất hưởng ứng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đã có những câu chuyện phát sinh từ việc chưa đủ thông tin về các thiết bị tiết kiệm điện hiệu quả.
Tin vào những lời quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện trên mạng, ông Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) còn cẩn thận ghi lại chỉ số công tơ điện trong suốt 3 tháng cắm máy tiết kiệm điện. Tuy nhiên số tiền điện hơn 2 triệu đồng 1 tháng vẫn không thay đổi.
"Tôi có biết một chút về điện, nên tôi có ghi lại số điện hàng tháng. Sau khi tôi dùng cái máy này, thì tôi thấy không có giá trị gì về tiết kiệm điện cả, dù mua khá là đắt, hơn 350.000 đồng một chiếc", ông Nguyễn Văn Bình, Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.
Để chắc chắn hơn, phóng viên đã mang những thiết bị này đến Viện Nghiên cứu Điện tử thuộc Bộ Công Thương để kiểm tra. Sau khi tháo tung phần vỏ bên ngoài, bên trong chỉ có vài linh kiện rất đơn giản, chỉ có tác dụng thắp sáng bóng đèn led. Lãnh đạo trung tâm điện tử viễn thông khẳng định, tất cả những nội dung quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện này đều là lừa đảo.
"Linh kiện bên trong chỉ có cái tụ cắm thẳng vào ổ cắm. Còn lại chỉ có đèn led với mấy con trở, chỉ để sáng cho vui, cho có điện thôi chứ không có tác dụng gì", ông Đặng Trần Chuyên, Giám đốc Trung tâm Điện tử viễn thông, Bộ Công Thương, cho biết.
Không có tác dụng gì, nhưng mỗi ngày vẫn có nhiều người dân mắc bẫy các đối tượng gian thương bằng những lời quảng cáo hấp dẫn, những clip dàn dựng tinh vi. Với giá trung bình khoảng 400.000 đồng một thiết bị tiết kiệm điện giả, mỗi ngày những đối tượng này thu về một khoản tiền không hề nhỏ. Còn người dân đành chịu cảnh tiền mất tật mang bởi trót tin vào lời cam kết không hiệu quả trả lại tiền của những chủ hàng ảo.
Cùng với yêu cầu đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20 về Tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023.
Tiết kiệm điện là một chiến lược dài hạn, được Việt Nam xây dựng một lộ trình dài từ nhiều năm qua. Đây không chỉ là chiến lược của riêng Việt Nam, mà còn là xu thế chung của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bởi tiết kiệm được coi là nguồn điện đầu tiên. Nó mang đến một nguồn lợi đáng kể về mặt kinh tế, giảm thiểu phát thải đáng kể trong lộ trình giảm phát thải về bằng 0 vào năm 2050.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh