TP Hồ Chí Minh: 2 trạm y tế lưu động hỗ trợ F0 đầu tiên đi vào hoạt động
Thay đổi cách đánh giá học sinh, không dựa trên điểm trung bình tất cả các môn / Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6/9
Cách ly các ca F0 không có triệu chứng tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. (Ảnh: TTXVN)
Đây là 2 trong số gần 400 trạm y tế mà TP Hồ Chí Minh sẽ thành lập để hỗ trợ các trường hợp F0 đang điều trị, cách ly tại nhà.
Tại Quận 3, trạm y tế lưu động đặt ở Trung tâm văn hóa phường 11 (địa chỉ số 933 đường Hoàng Sa). Còn tại Quận 7, trạm được đặt tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (số R6, đường Đặng Đại Độ, phường Tân Phong).
Theo PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn, từ 19/8 đến nay, 2 quận đã thiết lập được trạm y tế lưu động. Trạm y tế lưu động ra đời trong giai đoạn này rất ý nghĩa, vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, vừa quản lý chăm sóc từ 50 - 100 ca F0 cách ly tại nhà. Trạm có danh sách số điện thoại các F0, mỗi ngày nhân viên trạm gọi hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc được nguy cơ và đến nhà thăm khám, trao túi thuốc chăm sóc sử dụng tại nhà.
Hiện Sở Y tế sẽ cấp trước 20 túi thuốc cho mỗi trạm lưu động, sau đó sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới để phát cho F0. Túi thuốc gồm có các loại thuốc không kê toa và thuốc có chỉ định, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn và khẩu trang. Ngoài ra còn có máy đo chỉ số oxy SpO2 tại nhà để F0 tự đo thường xuyên mỗi ngày, ác định được mức độ nguy hiểm và yêu cầu can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến, Trưởng Trạm y tế lưu động số 1, Quận 3 cho biết, nhân sự trạm có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, được trang bị 4 máy tạo oxy, giường và bình oxy để hỗ trợ bệnh nhân khó thở. Ngay sau khi nhận thông tin báo có F0 triệu chứng, chuyển biến thì trạm sẽ đến tận nhà khám và tùy vào tình huống của bệnh nhân để xử lý.
"Bệnh nhân tới đây sẽ được cho thuốc theo hướng dẫn về các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Sau khi điều trị dùng thuốc, cho thở oxy mà bệnh nhân không cải thiện, khó thở nhiều hơn, chuyển biến nặng hơn thì chúng tôi sẽ xin xe điều phối để chuyển lên tuyến trên", BS Yến cho biết.
Trước đó, trong hôm 19/8, ngay sau yêu cầu của Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận huyện và TP Thủ Đức thành lập các Trạm y tế lưu động, Trong đó, căn cứ vào tình hình các F0 trên địa bàn sẽ thành lập số lượng trạm khác nhau. Dự kiến, Quận 8 có 49 trạm, Quận Tân Bình có 40 trạm, Quận 7 có 36 trạm….
End of content
Không có tin nào tiếp theo