Bình Dương: Dừng hoạt động 2 phòng khám để phục vụ điều tra
Bình Dương: Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, tổ chức lại sản xuất cho doanh nghiệp / Bình Dương: Gốm sứ Minh Long tặng máy thở và kit test nhanh SARS-CoV-2 cho TP Thuận An
Chiều ngày 20/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đã có văn bản yêu cầu Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng (TP Dĩ An) và Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang (TP Thuận An), tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh.
Theo đó, 2 phòng khám này bị yêu cầu tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác xác minh, điều tra của cơ quan pháp luật và Thanh tra Sở Y tế, do liên quan đến việc không tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dẫn đến chết người, gây bức xúc trong dư luận mấy ngày qua.
Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang (TP Thuận An), một trong 2 phòng khám bị Sở Y tế Bình Dương yêu cầu tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh.
Trước đó, ngày 13/8, ông N.D (SN 1964, quê ở Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An) được người nhà chở đi cấp cứu tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn nhưng bị từ chối dẫn đến tử vong.
Riêng tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng, ông D. và người nhà được nhân viên phòng khám đưa vào test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Sau khi có kết quả âm tính và nghe tiền sử bệnh của ông D., bác sĩ tại đây không tiếp nhận với lý do vượt quá chuyên môn nên phòng khám này đề nghị chuyển lên tuyến trên.
Sau đó, bệnh nhân được đưa đi nhiều cơ sở y tế khác nhưng đều không được cấp cứu. Đến sáng hôm sau, người này tử vong tại phòng trọ.
Tiếp đó, sáng ngày 18/8, bà N.T.K (SN 1971, tạm trú phường Thuận Giao, TP Thuận An), được người thân đưa đến Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang trong tình trạng mệt, khó thở.
Khi đến trước cổng phòng khám, bảo vệ chỉ qua cấp cứu tại bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, khi đang di chuyển thì chị K. ngất xỉu, sau đó tử vong trên đường, cách phòng khám khoảng 700m.
Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an các địa phương đã vào cuộc xác minh, xử lý. Sở Y tế Bình Dương cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phải mở cửa cấp cứu 24h/7 ngày trong tuần.
Theo đó, các bệnh viện phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, điều trị, cho dù là người mắc COVID-19 hay không mắc; bảo đảm trực cấp cứu theo đúng quy định, trong đó nhân viên trực cấp cứu mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ trong suốt ca trực.
Nếu để xảy ra tình trạng người bệnh không được tiếp nhận khám, cấp cứu, điều trị làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng người bệnh thì giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo