Tin tức - Sự kiện

Thay đổi cách đánh giá học sinh, không dựa trên điểm trung bình tất cả các môn

DNVN - Theo thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT về việc đánh giá học sinh THCS và THPT, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học đều được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Việc đánh giá học sinh sẽ không dựa trên điểm trung bình của tất cả các môn học như trước.

TP Hồ Chí Minh chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên năm học 2021 / Năm học 2020-2021: Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng của COVID-19

Sẽ đánh giá học sinh bằng nhận xét và điểm số

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành thông tư số 22/2021/TT-BGDDT với các quy định mới về việc đánh giá học sinh THCS, THPT.

Theo thông tư này, sẽ có hai hình thức đánh giá học sinh là bằng nhận xét và bằng điểm số.

Với hình thức đánh giá bằng nhận xét sẽ áp dụng đối với các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Kết quả học tập những môn này sẽ được đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức Đạt hoặc Chưa đạt.

Với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.

Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.

Việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số áp dụng cho các môn học còn lại.

Đối với việc đánh giá thường xuyên sẽ thực hiện thông qua nhiều hình thức đánh giá như vấn đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập,…

Với một môn học, học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học.

Với việc đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập. Học sinh trung học sẽ có 4 bài kiểm tra định kỳ mỗi môn học.

Từ năm học 2021-2022 sẽ bỏỏ tính điểm trung bình tất cả môn ở bậc THCS và THPT.

Từ năm học 2021-2022 sẽ bỏ tính điểm trung bình tất cả môn ở bậc THCS và THPT.

Sẽ quy định cụ thể số đầu điểm kiểm tra

Với những môn chỉ có nhận xét, học sinh trải qua hai lần đánh giá thường xuyên ở mỗi học kỳ, một lần giữa kỳ và một lần cuối kỳ.

Với môn học có từ 35 tiết trở xuống mỗi năm, học sinh có hai đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên; môn học từ trên 35 đến 70 tiết có 3 và trên 70 tiết có 4 đầu điểm. Mỗi học kỳ, mỗi môn có một điểm kiểm tra giữa kỳ, một điểm cuối kỳ.

Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, giữa kỳ tính hệ số 2 và cuối kỳ tính hệ số 3. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số.

Việc đánh giá thường xuyên sẽ được đa dạng hình thức thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm hay sản phẩm học tập. Còn với bài kiểm tra định kỳ, học sinh sẽ được đánh giá qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập.

Đánh giá học sinh sẽ không dựa trên điểm trung bình tất cả các môn

Thông tư mới chỉ tính điểm trung bình theo từng môn chứ không yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước. Như vậy, bảng điểm của học sinh sẽ không có dòng điểm trung bình tất cả môn - vốn là tiêu chí quan trọng để xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình hay yếu, kém. Mức trung bình tất cả môn cũng tạo ra sự so sánh, xếp hạng học sinh trong lớp hay trong trường, trong khi mỗi học sinh có thế mạnh riêng.

Cùng với thay đổi trên, kết quả học tập của học sinh trong một học kỳ hay cả năm học sẽ theo một trong bốn mức, gồm: Tốt, khá, đạt và chưa đạt, thay vì các loại học lực như trước.

Trong đó, học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8 trở lên.

Như vậy, với cách tính này, các môn đều được đánh giá công bằng như nhau, không có môn chính, môn phụ.

Tương tự, học sinh được xếp mức Khá khi tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 6,5 trở lên.

Học sinh được xếp mức Đạt khi có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; có ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm. Các trường hợp còn lại sẽ xếp mức Chưa đạt.

Cũng theo cách đánh giá mới này, sẽ không quy định xếp loại hạnh kiểm như trước, mà cũng được xếp loại theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Thông tư mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và sẽ triển khai năm đầu tiên với lớp 6. Từ năm 2022 – 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó đến lớp 8 và lớp 11. Đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm