Tin tức - Sự kiện

Triển khai AI trong kế toán tại doanh nghiệp: Giống như "nước lên thì thuyền lên"

DNVN - Đánh giá về việc vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghề kế toán tại Việt Nam, chuyên gia Mai Thị Quỳnh Như, Dương Thị Thanh Hiền, Trường Đại học Duy Tân cho rằng: Việc này giống như "nước lên thì thuyền lên".

Sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo kiếm được mức lương 30 triệu đồng ngay khi ra trường / Phát hiện nguy cơ tấn công mạng doanh nghiệp bằng trí tuệ nhân tạo

Chuyển đổi dữ liệu kế toán, AI hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định kinh doanh
Theo nhóm chuyên gia Trường Đại học Duy Tân, với những đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế tài chính, vai trò của kế toán ngày càng được nâng cao và được xem là lĩnh vực đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin sẽ chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn của cách mạng công nghiệp 4.0, mà cụ thể là AI.
AI được xem là chiến lược phát triển công nghệ của các quốc gia, những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo đã và đang đem lại cho con người có thể kể đến là phát hiện và hạn chế rủi ro, tiết kiệm sức lao động, nâng cao khả năng sáng tạo và là cầu nối ngôn ngữ để mở rộng thêm nhiều cơ hội làm việc.
Chuyển đổi dữ liệu kế toán, AI hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định kinh doanh.
Mặc dù vẫn đang trong những bước đi đầu tiên, nhưng AI cũng đã mang lại những hiệu quả rất tích cực trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực kế toán.
Theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi MIT Boston Consulting Group, hơn 80% người tin rằng AI có thể mang lại lợi thế cạnh tranh, trong khi 79% tin rằng công nghệ có thể tăng năng suất của công ty.
Dưới nền tảng của AI, nhân sự kế toán không còn tham gia vào công việc kế toán truyền thống, nhưng chuyển đổi dữ liệu kế toán thành hoạt động kinh doanh của công ty thông tin, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định kinh doanh.
Vận dụng AI, một số lượng lớn các thủ tục kế toán cơ bản công việc sẽ được thay thế bằng hệ thống thông tin kế toán nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động. AI đồng thời giải quyết được nhiều công việc thủ công, lặp đi lặp lại, kế toán viên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các khía cạnh khác của công việc, như tư vấn và phân tích dữ liệu hoặc củng cố quan hệ và truyền tải thông tin tới khách hàng.
Tại Việt Nam, công việc kế toán trước đây hoàn toàn phải làm thủ công, phụ thuộc rất nhiều vào sự cẩn thận và tỉ mỉ của kế toán viên với rất nhiều sổ sách kế toán, bảng biểu theo một số tiêu chuẩn nhất định thì trong những thập niên trở lại đây, trước sự phát triển mạnh mẽ về thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, AI đã dần dần được đưa vào trong lĩnh vực kế toán. Điều này cho phép các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tự động hóa một loạt các quy trình, cũng như thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời dưới sự tác động của công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này đã thay đổi mạnh mẽ ngành kế toán trong doanh nghiệp.
Công việc kế toán bắt đầu từ excel cho đến gần đây, ngành kế toán chứng kiến một cuộc cách mạng cải tiến mới khi mà rất nhiều phần mềm kế toán chuyên dụng ra đời, mọi hoạt động ghi chép và tính toán trở nên nhanh chóng và chuẩn xác hơn bao giờ hết.
Kết quả khảo sát trên mẫu 300 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của nhóm chuyên gia Trường Đại học Duy Tân cho thấy, ngày nay hầu như không có bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng phần mềm Excel để thiết lập chứng từ kế toán và tạo báo cáo tài chính, chỉ có một số ít các doanh nghiệp nhỏ (8,3%) là còn sử dụng Excel như là cách chủ yếu để thiết lập các mẫu biểu báo cáo phục vụ cho công tác lưu trữ số liệu.
Tức là, Excel vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong công tác theo dõi số liệu và trích xuất báo cáo của họ, tuy nhiên khi xuất báo cáo tài chính thì vẫn dựa vào phần mềm kế toán.
Trong mẫu khảo sát, hầu như toàn bộ các doanh nghiệp đều sử dụng phần mềm kế toán (99%) để phục vụ công tác xử lý, báo cáo số liệu cũng như thiết lập Báo cáo tài chính, tất cả các hoạt động đều được thông qua phần mềm kế toán để phục vụ cho công tác phân tích số liệu cũng như triển khai kế hoạch kinh doanh.
Qua đó, có thể nhận ra, tác động của ứng dụng AI thông qua sử dụng phần mềm kế toán đã giúp công việc kế toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời và trở thành công cụ không thể thiếu trong quản lý doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nên so sánh chi phí đầu tư với hiệu quả mang lại
Các giải pháp cho việc vận dụng AI tại Việt Nam đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời mở ra cơ hội cho những người làm công tác kế toán.
Tuy nhiên để vận dụng AI có hiệu quả trong lĩnh vực này, chuyên gia Mai Thị Quỳnh Như, Dương Thị Thanh Hiền khuyến nghị: Doanh nghiệp cần thay đổi để theo kịp với công nghệ và đáp ứng những yêu cầu của kế toán trong thời kỳ mới.
Đáng chú ý, chuẩn bị cho chi phí triển khai AI, các doanh nghiệp nên so sánh chi phí đầu tư và so sánh với hiệu quả mang lại. Gần như hầu hết các nhà quản lý điều hành doanh nghiệp đều đi đến quyết định là sẽ đầu tư triển khai AI trong công tác kế toán tại doanh nghiệp mình.
Điều này cũng giống như “nước lên thì thuyền lên”, các doanh nghiệp sẽ bỏ ra chi phí triển khai phù hợp với quy mô của mình.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ thì họ sẽ đầu tư ở mức phần mềm kế toán đủ để xử lý những công việc cơ bản và tạo những báo cáo điều hành ở mức chấp nhận được so với quy mô, ở mức độ vừa phải.
Ở quy mô lớn thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP để có thể quản lý được hàng trăm, nghìn nhân sự, nhiều phòng ban hay nhiều chi nhánh, các báo cáo điều hành thông qua phần mềm cũng theo đó mà chi tiết hơn, phục vụ sát sườn hơn nhu cầu của nhà quản trị.
Vận dụng AI, kế toán viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Cùng với đó, để giảm tâm lý việc vận dụng AI sẽ tạo ra sự thất nghiệp thì bản thân người kế toán phải tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Trước hết là phải chuẩn bị kiến thức về sự phát triển của công nghệ, những ứng dụng mới nhất có thể áp dụng vào công việc của mình.
Người làm công tác kế toán cần phải nắm rõ các giá trị cốt lõi của kế toán, kết hợp cùng với công nghệ để tạo ra những phầm mềm dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc kế toán quốc tế.
Kế toán viên cần rèn luyện cho mình tư duy sáng tạo và thuyết trình để bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng thì ý kiến tư vấn đưa ra mới được các nhà quản trị coi trọng và xem xét thực hiện. Kế toán có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích để tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, từ đó góp phần nâng cao giá trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đi đúng định hướng và tạo ra hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt. Đây là điều mà AI chưa thể làm được vì chưa có khả năng suy nghĩ như một con người.
Cần lưu ý rằng con người làm chủ công nghệ chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ , điều này sẽ giúp kế toán viên vượt qua nỗi lo thất nghiệp và cơ hội nghề nghiệp được mở rộng.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia Trường Đại học Duy Tân cũng cho rằng, việc triển khai AI vẫn còn là một thách thức khá lớn do nhiều nguyên nhân.
Đó là chi phí triển khai AI khá cao và doanh nghiệp chưa dự tính được hiệu quả mang lại. Doanh nghiệp vẫn có tâm lý e ngại khi vận dụng AI vì điều này sẽ tạo ra nguy cơ thất nghiệp trong ngành kế toán, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình và trình độ chuyên môn khả năng đáp ứng công nghệ của kế toán viên còn chưa cao dẫn đến khó triển khai vận dụng AI.
“Do đó, để AI thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực trong lĩnh vực kế toán thì kế toán viên phải làm người thực sự làm chủ công nghệ, xác định được các giá trị cốt lõi, nâng cao vai trò của mình để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận và nâng cao vị thế cạnh tranh. Triển khai AI không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải trải qua một quá trình dài, cần được lên kế hoạch cụ thể và phù hợp”, nhóm chuyên gia Trường Đại học Duy Tân khuyến nghị.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm