Trong một đoạn video được công bố ngày 26/11, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tuyên bố cặp em bé song sinh đã ra đời vài tuần trước. Ông nói các em đều có ADN được chỉnh sửa để kháng nhiễm HIV.
Thông tin này châm ngòi một cuộc tranh cãi dữ dội trong cộng đồng học thuật. Một số chuyên gia hoài nghi kết quả cuộc thử nghiệm của ông Hạ.
Nhiều nhà khoa học lên án chương trình thí nghiệm vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Thử nghiệm biến đổi gen trên con người và các yếu tố có khả năng di truyền vẫn còn bị cấm tại nhiều nước.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Trước những xôn xao dư luận, Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh lập tức điều tra về thí nghiệm của ông Hạ Kiến Khuê, Tân Hoa xã sớm 27/11 cho biết.
Nghiên cứu của ông Hạ được nhắc đến trên tạp chí khoa học MIT Technology Review vào ngày 25/11. Bài viết nằm trong số các tài liệu được đội nghiên cứu của ông Hạ đăng tải trên mạng nhằm tuyển thêm các cặp đôi tình nguyện tham gia thí nghiệm, theo AFP.
Luật pháp Trung Quốc cấm nhân bản vô tính người, nhưng không quy định cụ thể về điều chỉnh gen. Ảnh: AP.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết hai cháu bé, Lulu và Nana, được sinh ra từ biện pháp thụ tinh nhân tạo nhưng sử dụng trứng đã được điều chỉnh đặc biệt trước khi cấy vào tử cung người mẹ.
“Ngay sau khi ghép tinh trùng của người cha vào trứng, các bác sĩ sẽ cấy thêm protein CRISPR/Cas9 và thực hiện một cuộc “phẫu thuật gen” với mục tiêu bảo vệ các cháu bé trong tương lai không bị lây nhiễm HIV”, ông Hạ nói.
Điều chỉnh gen được xem là biện pháp tiềm năng chữa trị các loại bệnh có khả năng di truyền. Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi dữ dội vì những thay đổi gen sẽ di truyền sang các nhiều thế hệ và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến quỹ gen chung của nhân loại.
Tạp chí MIT Technology Review cũng cảnh báo “công nghệ này đặc biệt gây tranh cãi về đạo đức nghiên cứu”.
Ông Hạ dự kiến sẽ có các bài phát biểu về thí nghiệm của mình tại một diễn đàn quốc tế về gen trong các ngày 28-29/11 ở Hong Kong.
Hiện vẫn chưa có cơ quan nào độc lập kiểm chứng các tuyên bố của ông Hạ. Nhà khoa học nói các cặp đôi làm thí nghiệm không muốn tiết lộ danh tính và sẽ không trả lời với báo giới.
“Nguy hiểm, bất khả thi”
Nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê đã vấp phải vô số chỉ trích từ giới học giả và các học viện tại Trung Quốc. Nhiều người đặt dấu hỏi về tính xác thực trong các tuyên bố táo bạo của nhà khoa học từng làm việc ở Stanford, Mỹ.
Nơi công tác của ông Hạ, Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, thành phố Thâm Quyến, tiết lộ ông đã tạm nghỉ không lương từ tháng 2. Ngay cả trường đại học này cũng chỉ trích thí nghiệm của ông Hạ “vi phạm nghiêm trọng nhiều chuẩn mực đạo đức và quy tắc học thuật”.
“Nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Hạ Kiến Khuê diễn ra bên ngoài khuôn khổ nhà trường”, thông cáo chính thức của Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam ngày 26/11 cho biết.
Một nhóm 100 nhà khoa học tại Trung Quốc cùng ký tên vào lá thư lên án các kết quả nghiên cứu của ông Hạ. Họ đồng thời kêu gọi chính phủ có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với nghiên cứu điều chỉnh gen người.
“Đây là tổn hại nặng nề đối với danh tiếng toàn cầu và sự phát triển của nghiên cứu y sinh tại Trung Quốc”, bản thông cáo được đăng trên Weibo ngày 26/11 cho biết. “Thật bất công với đa số các nhà khoa học Trung Quốc luôn trung thực trong hoạt động nghiên cứu và phát minh khoa học”.
Ông Hạ Kiến Khuê ngày 26/11 đăng tải một đoạn video trên Youtube giới thiệu về nghiên cứu của mình. Ảnh: AP.
Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng chỉ trích gay gắt dự án thí nghiệm của ông Hạ. Nhiều chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu di truyền nói ông Hạ và cộng sự đã hành động thiếu trách nhiệm vì những em bé được điều chỉnh gen sẽ đối mặt với vô số rủi ro mà khoa học không thể lường trước được.
“Những thông tin vừa qua về nghiên cứu điều chỉnh gen trong phôi thai người nhằm kháng nhiễm HIV là thiếu cơ sở khoa học, nguy hiểm và vô trách nhiệm”, Joyce Harper, giáo sư tại Đại học London, nhận định.
Điều chỉnh ADN người là vấn đề cực kỳ gây tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học Trung Quốc cho thử nghiệm công nghệ này trên phôi người.
Tháng 9/2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tôn Trung Sơn đã sử dụng một phiên bản của công nghệ điều chỉnh gen, tìm cách chữa một đột biến thường xảy ra trong phôi người dẫn đến bệnh ở trẻ sơ sinh.
Cộng đồng học giả Trung Quốc cũng từng vấp phải nhiều vụ bê bối về gian lận kết quả nghiên cứu. Năm 2017, hơn 100 bài viết của các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã bị rút khỏi một tạp chí khoa học danh tiếng vì phát hiện vi phạm trong quá trình phản biện khoa học.
Ông Hạ Kiến Khuê vẫn chưa có bình luận chính thức phản hồi các chỉ trích nhắm vào mình.