Tự tử, bạo lực, nghiện game…: Những cảnh báo về “bệnh học đường”
Hiệu trưởng bị đình chỉ công tác vì xây dựng bếp ăn cho học sinh / Giáo viên, học sinh Hà Nội không dùng điện thoại di động trong giờ học
Cuốn cẩm nang được biên soạn bởi 3 tác giả uy tín trong lĩnh vực tâm lý học đường gồm PGS. TS Trần Thị Lệ Thu, PGS. TS Trần Thành Nam, ThS Nguyễn Thị Phương với sự cố vấn chuyên môn của TS Lê Nguyên Phương. Cuốn cẩm nang ra đời với mong muốn hỗ trợ phụ huynh, giáo viên cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh - hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp khắc phục.
Cuốn cẩm nang vừa được giới thiệu tại TPHCM sau khi ra mắt tại Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI diễn ra vào đầu tháng 8/2018 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nội dung cẩm nang được xây dựng, sắp xếp theo các nhóm vấn đề thường gặp theo lứa tuổi tăng dần để giúp giáo viên, phụ huynh dễ dàng tìm thấy các chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của học trò, con em mình.
Các vấn đề được đề cập như định nghĩa lại hiểu biết về: Chậm phát triển ở trẻ, Khuyết tật trí tuệ; Bổ sung kiến thức về các bệnh - hành vi rối loạn: Rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ; Rối loạn học tập; hướng dẫn cho bố mẹ, thầy cô giáo cách nhận biết về các hành vi của tuổi học đường như: Bắt nạt học đường; Nghiện game, internet và mạng xã hội; Tình yêu tuổi học trò...
Sách cũng đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp cho bố mẹ khi rơi vào trường hợp: Là phụ huynh của các em đang là nạn nhân của quấy rối tình dục, xâm hại tình dục; Hướng dẫn thầy cô giáo, bố mẹ đưa ra phương án xử lý những vướng mắc trong mối quan hệ với người bệnh lo âu, trầm cảm, hay những người có hành vi tự gây tổn thương, thậm chí… tự tử.
Được biết, các hội thảo, tọa đàm về những "căn bệnh" liên quan đến các vấn đề học đường sẽ được tổ chức tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang. Kế hoạch đầu năm 2019, sẽ có những khóa tập huấn chuyên sâu giành cho giáo viên kiêm nhiệm hay mong muốn trở thành chuyên viên tư vấn học đường và đưa cuốn sách vào thư viện các trường học.
Một số "bệnh" học đường cần được giáo viên, phụ huynh lưu tâm:
Nghiện game, internet và mạng xã hội
Một số dấu hiệu nhận diện là chơi game, internet và mạng xã hội quá 6 tiếng/ngày; cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu khi không được sử dụng; sa sút học tập, giảm chất lượng công việc và mất các mối quan hệ do dành quá nhiều thời gian cho thế giới mạng. Các chuyên gia cảnh báo, việc "nghiện" này có thể gây ra trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu và các vấn đề về giấc ngủ.
Khi trẻ có dấu hiệu nghiện game, internet và mạng xã hội, cha mẹ cần cùng trẻ xây dựng kế hoạch, cách thức kiểm soát mức độ sử dụng như ngắt kết nối mạng nếu không thực sự cần thiết; cùng trẻ lập thời gian biểu và cho trẻ tham gia các hoạt động hữu ích như giải trí, năng khiếu, tập thể... Ngoài ra, có thể cho trẻ đi đánh giá, can thiệp về chuyên môn từ các chuyên gia.
Đặc biệt, bố mẹ vẫn là tấm gương trong sử dụng và kiểm soát việc sử dụng game, internet và mạng xã hội; dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, phòng ngừa các hậu quả xấu từ chúng; cần dành thời gian quan tâm, xây dựng mối quan hệ chất lượng với con trẻ; hướng con trẻ đến các hoạt động giao tiếp lành mạnh như gặp gỡ mọi người, đọc sách, tập thể thao, đi du lịch, hoạt động xã hội thay vì để trẻ một mình.
Bắt nạt học đường
Ngoài bắt nạt ở trường học thì vấn đề bắt nạt trực tuyến thông qua các tiện ích và ứng dụng trên internet rất cần được lưu tâm. Đây được xem là hiện tượng báo động xảy ra phổ biến trên toàn thế giới, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trực tuyến ngày càng tăng.
Phụ huynh cần hết sức lưu tâm là trẻ bị bắt nạt phải chịu những tổn thương tinh thần, chán nản, cô đơn và suy sụp. Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó với những kẻ bắt nạt có thể khiến các em bị stress, lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Nhiều vụ việc học sinh bị bắt nạt để lại hậu quả nghiêm trọng là tự sát.
Cần nhất là nhận diện sớm các dấu hiệu, nguy cơ trẻ bị bắt nạt và tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên, chuyên gia tâm lý để can thiệp kịp thời. Và cả trẻ bắt nạt cũng có thể đang có gặp khó khăn cần được sự hỗ trợ.
Tự tử
Đây cũng là một trong những "bệnh học đường" mà các chuyên gia lưu ý nhà trường và gia đình cần quan tâm đến trẻ nhỏ. Học trò có hành vi tự tử có thể vì các nguyên nhân như trầm cảm và cảm giác tuyệt vọng; bị lạm dụng, bạo hành tự nhỏ; mối quan hệ đổ vỡ...
Người thân cần hiểu ý nghĩa của hành vi tự tử có thể là sự trốn chạy, sự tuyệt vọng, sự tự trừng phạt, sự đổ lỗi, trả thù, sự mất mát... Khi đối diện với đau thương, tang tóc, các em rất cần được hỗ trợ để vượt qua cú sốc tâm lý, cảm xúc tức giận và các dấu hiệu trầm cảm...
16 vấn đề tâm lý thường gặp ở học đường: Chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập, bắt nạt học đường, mệt mỏi, các vấn đề về giấc ngủ, nghiệm game - internet và mạng xã hội, tình yêu tuổi học trò, quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, lo âu, trầm cảm, hành vi tự gây tổn thương, tự tử. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo