Tin tức - Sự kiện

Ứng phó biến đổi khí hậu bằng phát triển xanh

Do phải chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam đã xác định phát triển không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT / Tháo gỡ khó khăn tăng thu ngân sách nội địa

Chú thích ảnh
Người dân huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thu hoạch tôm trên nền đất lúa. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Nghị quyết số 19-NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Các định hướng quan trọng này cũng được khẳng định trong nhiều Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Nhân rộng các mô hình sinh thái

Để ứng phó với thách thức kép về khí hậu cực đoan và suy thoái môi trường, cũng như góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sinh thái, các mô hình nuôi đa đối tượng trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt là các mô hình nuôi thủy sản như: tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến kết hợp để phát triển nông nghiệp xanh, ứng phó với khí hậu cực đoan và bảo vệ môi trường.

Từ năm 2019-2023, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam” ở hai tỉnh Bình Thuận và Bạc Liêu nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư tài chính, hỗ trợ và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Bạc Liêu, xác định mô hình tôm - lúa là mô hình sản xuất bền vững, nhiều tiềm năng, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, tôm sạch sản xuất theo hướng hữu cơ, giúp nông dân trong vùng nâng cao thu nhập, Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật trồng lúa và nuôi tôm; con giống tôm; đào tạo xây dựng năng lực về quản trị và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho Hợp tác xã; theo dõi dấu chân carbon... Nhiều nông dân đã từng áp dụng mô hình xen canh tôm lúa cho rằng khi chuyển qua canh tác tôm - lúa, chi phí sản xuất vụ lúa thấp hơn so với trước mà sản lượng lại cao hơn. Nông dân đã chú ý đầu tư vào các hoạt động sản xuất thích ứng thông minh với khí hậu, phát thải carbon thấp, để tạo ra những thay đổi rõ rệt về phát triển kinh doanh bền vững hơn và có đóng góp tích cực vào giảm phát thải khí nhà kính.

Hợp tác xã Thành Công 1thuộc xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu được xem là một hợp tác xã trọng điểm của tỉnh trong việc xây dựng mô hình tôm - lúa. Anh Lương Út ở ấp 18, xã Phong Thạnh A cho biết, gia đình đã thực hiện mô hình canh tác tôm – lúa, dễ áp dụng. Canh tác theo mô hình này, lượng hóa chất trong sản xuất lúa giảm, ít gây hại đến môi trường tự nhiên. Đặc biệt, sau khi được tập huấn, nông dân đã không dùng thuốc thú y thủy sản trị bệnh cho tôm mà sử dụng biện pháp sinh học. Cây lúa cũng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy mô hình cho sản phẩm lúa sạch, tôm sạch. Từ khi thực hiện mô hình tôm - lúa, gia đình có kinh tế ổn định, đời sống được cải thiện.

Những năm gần đây, diện tích và sản lượng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu đứng thứ hai cả nước, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, kéo theo vấn đề phát sinh chất thải, nước thải từ các hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi tôm… gây ô nhiễm môi trường. Để góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát thải CO2, Dự án đã khuyến khích, hỗ trợ một số doanh nghiệp kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao; các trang thiết bị nhằm giảm phát thải như: Thiết bị cho tôm ăn tự động, thiết bị biến tần, máy ép phân tôm.

Với sự hỗ trợ đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã sử dụng máy ép phân tôm, thu được 95-99% phân tôm trước khi thải ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu phát thải carbon, xanh hóa quá trình sản xuất, sử dụng lại nước tuần hoàn sau khi đã thu phân tôm giảm khoáng, vi sinh, ủ phân tôm thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, làm thức ăn cho các loài thủy sản khác, giảm ô nhiễm, giảm nguồn bệnh...

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, các chính sách của tỉnh về nuôi trồng thủy sản hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo bao gồm nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực về ứng phó với biến đổi khí hậu như: Phát triển sản xuất theo hướng giảm phát thải; cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; phát triển năng lượng tái tạo và các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, tài chính trong chuỗi giá trị tôm. Nuôi tôm thời gian tới phải hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế và môi trường.

Giảm phát thải là xu hướng tất yếu

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm công nghiệp trong ao lót bạt. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025: tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha. Tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 1 triệu tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD. Năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000 ha. Sản lượng là 745.000 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỷ USD.

Trên thực tế, hiện nay ngành tôm còn có những thách thức về suy thoái môi trường và bệnh dịch. Chất lượng đầu vào (giống, thức ăn, hóa chất…) khó kiểm soát. Tổ chức sản xuất và năng lực kỹ thuật còn hạn chế. Mức độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; biến động các chỉ tiêu môi trường nước, chất lượng môi trường kém; tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp (hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật). Nước thải, phân và các chất bài tiết của tôm; bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh tích tụ và tồn lưu trong môi trường. Các nguồn phát thải này góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính (phát thải khí CO2, SO2, PO4) và làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.

Trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Ở khâu nuôi tôm, do sử dụng các dạng năng lượng dầu/xăng, điện, vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều gây ra phát thải. Đối với công đoạn chế biến tôm, việc sử dụng dầu/xăng, điện, khí NH3 và các dung dịch làm lạnh khác, các khâu vận chuyển/lưu kho đều gây ra phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Bộ đang làm thủ tục tham gia “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu”. Dự kiến, nội dung này sẽ thông qua tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 12/2023. Việc chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam theo hướng xanh, carbon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các chuỗi giá trị là một tất yếu, góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hướng tới thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) là đưa phát thải về 0 vào năm 2050, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Nam Sơn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên chuyển đổi theo hướng tuần hoàn khép kín, nuôi đa loài trong một ao, trang trại sản xuất kết hợp (tôm + khác), sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời hoặc sử dụng năng lượng xanh, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng), nuôi kèm các loài hấp thu vô cơ (N, P,…).

Theo ông Patrick Haveman, Phó Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để tái cấu trúc lại các chuỗi sản xuất cung ứng tôm tự nhiên với giá trị cao. Hiện nay, ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre, nhiều cơ sở kinh doanh và hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa có vùng nuôi tôm dựa vào tự nhiên. Nhiều nơi đã có các dòng sản phẩm tôm rừng, tôm lúa, tôm sạch nhưng chưa được tập trung quản lý và chứng nhận đúng với giá trị chất lượng tương xứng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở và trang trại nhỏ và vừa này tăng cường liên kết hợp tác để tạo ra một dòng sản phẩm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có thương hiệu đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để giúp các cơ sở sản xuất này có truy xuất nguồn gốc và dấu chân carbon cho các dòng tôm sinh thái này. Từ đó, góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng cho các chuối cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.

Những năm qua, sự tham gia của Việt Nam vào các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu như: Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm phát thải khí mê-tan 30% so với 2020; tuyên bố Glasgrow về rừng và sử dụng đất nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng vào năm 2030, đã tạo ra sự chuyển biến lớn về cách tiếp cận phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn. Tại Phiên họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ "phát triển xanh chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm