Kiến nghị đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu tối đa 75%
Chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh: Kiểm soát chặt chẽ, tránh hình thức / Bộ Y tế đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp dược
Kiến nghị về hưởng lương hưu
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan. Sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến từ các thành viên, 13 Hiệp hội DN có một số góp ý và kiến nghị quan trọng gửi tới các Ban, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành,… và 28 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành.
Về tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu, cụ thể, tại Điều 64 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định mức lương hưu hàng tháng. Tính đến năm 2035 thì nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định người lao động được nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Đối với đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2%. 13 Hiệp hội doanh nghiệp nhận thấy những quy định này không phù hợp với thực tiễn người lao động Việt Nam.
Thực tế, có rất nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sớm thì đến 50 – 55 tuổi sức khỏe đã giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, thậm chí khó tìm được việc làm và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, thậm chí 30 năm; như vậy cả về thời gian và số tiền đóng cho bảo hiểm xã hội là đủ lớn. Nếu người lao động chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Và, việc người lao động lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Các Hiệp hội cũng cho rằng, đối tượng có số thời gian đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, mỗi năm không đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị trừ2% là không hợp lý. Bởi mức trừ này quá cao so với mức hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu đối với đối tượng có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75% (cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ được tính bằng 0,5 tháng của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội).
Nếu người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu sớm (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm) thì mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ tương ứng 2% là không hợp lý, bởi vì: Việc trừ này không đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều; Tỷ lệ trừ 2% là quá cao, trong khi chính sách bảo hiểm xã hội đang cố gắng khuyến khích, động viên người lao động ở lại với quỹ bảo hiểm xã hội. Do đó, cần xem xét lại tỷ lệ trừ 2%, đặc biệt có cơ chế thưởng cho những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.
Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu làm tăng tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần, giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội 75%.
Trong trường hợp người lao động mong muốn: Khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm thì được quyền về hưu. Mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ 1 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định.
Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam sẽ được về hưu ngay và hưởng hưu tối đa là 75%.
Đề xuất giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Cho rằng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư lớn, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng vào quỹ này từ 1% xuống còn 0,5%, và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế…
Hiện nay, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5% (gồm bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%), người sử dụng lao động đóng 21,5% (17,5% bảo hiểm xã hội, 3% bảo hiểm y tế và 1% bảo hiểm thất nghiệp).
Như vậy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội này là rất cao.
Hơn nữa, so với khu vực và thế giới, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước. Cụ thể, Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanma 2%, Bangladesh 0%...., hầu hết các nước này đều đóng bảo hiểm xã hội trên nền đóng giống Việt Nam.
Riêng Thái Lan, nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội không chỉ từ người lao động và người sử dụng lao động, mà Chính phủ cũng đóng góp thêm.
Trên cơ sở đó, 13 hiệp hội đề nghị đưa tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009. Tức là người lao động đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 15%, tổng là 20%.
Đối với tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp, các hiệp hội cũng cho rằng, hiện quỹ này đã kết dư quá nhiều. Trong khi mục đích của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, khi quỹ đã kết dư quá nhiều thì cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ của cả người lao động, và người sử dụng lao động còn 0,5%, đồng thời có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Về bảo hiểm y tế, đề xuất giảm mức đóng còn 1% đối với người lao động, và còn 2% đối với người sử dụng lao động.
Với mức đề xuất giảm như trên, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động sẽ là 6,5% (gồm 5% bảo hiểm xã hội, 1% bảo hiểm y tế và 0,5% bảo hiểm thất nghiệp - giảm 4% so với hiện nay); người sử dụng lao động là 17,5% (trong đó 15% bảo hiểm xã hội, 2% bảo hiểm y tế, 0,5% bảo hiểm thất nghiệp).
Theo các hiệp hội, trên thực tế tại thời điểm đóng vào quỹ thì giá trị tiền người sử dụng lao động, và người lao động đóng không hề thấp. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cần xem xét tổng thể việc quản lý một cách hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội, cũng như cách tính trượt giá nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung, để tuy giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.
Liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nền đóng) trong khu vực doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác; được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được người lao động và người sử dụng lao động căn cứ vào tiền lương tối thiểu vùng để thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, theo các hiệp hội, mức hưởng các chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất lại hưởng theo 1 mức tiền cụ thể, hoặc dựa trên mức lương cơ sở là không hợp lý. Bởi, theo nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng, việc hưởng phải dựa trên mức đóng. Nền đóng căn cứ vào lương tối thiểu vùng để thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động.
Do đó, quy định hưởng các chế độ theo 1 mức tiền cụ thể thì qua mỗi năm các chỉ số CPI lại tăng thì mức tiền hưởng chế độ này không còn phù hợp thực tế.
“Người lao động lại phải chờ điều chỉnh Luật mới được hưởng mức trợ cấp mới. Bởi vậy, chúng tôi đề xuất quy định nền đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng các chế độ đều căn cứ theo lương tối thiểu vùng”, các hiệp hội kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh