Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất vaccine Covid-19 với Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ xúc động khi thăm nhà sàn Bác Hồ / Việt Nam vay Ấn Độ 500 triệu USD cho quốc phòng
Đại sứ Phạm Sanh Châu nói, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng dược phẩm và thứ 14 trên toàn thế giới về giá trị. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được các chứng nhận quốc tế từ Mỹ, EU, Australia…
Việt Nam mong muốn tìm kiếm cơ hội phối hợp với Ấn Độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 và mong thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm sản xuất thuốc và dược phẩm cho các doanh nghiệp Ấn Độ.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dệt may để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Theo hiệp định này, sản phẩm dệt may Việt Nam phải được sản xuất từ vải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam thì mới được hưởng thuế quan ưu đãi.
Trong khi đó, Ấn Độ có ngành công nghiệp xơ sợi, dệt vải phát triển, sản xuất hầu hết các loại vải, nguyên phụ liệu ngành may mặc và hiện đang thuộc tốp 3 nước cung cấp hàng dệt may hàng đầu thế giới.
Cuộc giao thương trực tuyến có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo VCCI và thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, nắm bắt về chính sách thương mại, xu hướng hợp tác, kinh doanh, các lĩnh vực, ngành hàng có tiềm năng phát triển trong quan hệ thương mại giữa Viêt Nam và Ấn Độ; đồng thời tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ.
Cuộc giao thương là sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị kinh doanh và hội chợ triển lãm Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương diễn ra từ ngày 4 đến 6/8. Cũng trong thời gian này, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức các gian hàng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hàng hóa, dịch vụ trong 6 nhóm lĩnh vực chủ yếu như công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế; nông sản và các sản phẩm liên quan; năng lượng, năng lượng tái tạo, điện; chuỗi cung ứng và logistics/ hậu cần; thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông; chuỗi giá trị sản xuất…
End of content
Không có tin nào tiếp theo