Tin tức - Sự kiện

Vĩnh Long: Doanh nghiệp thành lập mới giảm, rút khỏi thị trường tăng

DNVN - Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Vĩnh Long đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực sản xuất còn khó khăn, phục hồi chậm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm và rút khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước.

Báo chí đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh Vĩnh Long / Vĩnh Long: Nhiều hoạt động ý nghĩa đón Tết Giáp Thìn 2024

Chiều 22/7, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch phát triển 6 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh.

Bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Thông tin về tình hình kinh tế, bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 19.768 tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ. Tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp đạt 62,4% (tăng 0,89 điểm % so với cùng kỳ).

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 453,1 triệu USD, đạt 58,1% kế hoạch năm (tăng 31,34% so với cùng kỳ). Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đạt 191 triệu USD (tăng 11,27% so cùng kỳ).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 8.324 tỷ đồng (đạt 43,81% kế hoạch năm, tăng 5,62% so với cùng kỳ). Trong đó, sản xuất công nghiệp đã có bước phục hồi khá, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP, tăng 12,02% so với cùng kỳ).

Sản xuất nông nghiệp được tổ chức thực hiện tốt, tiêu thụ nhiều nông sản thuận lợi, giá ổn định, giá nhiều mặt hàng nông sản, chăn nuôi tăng so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 34.835,3 tỷ đồng (tăng 14,11% so với cùng kỳ).

Tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án (4 dự án trong nước, 1 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký tương đương 266,5 tỷ đồng và 1,28 triệu USD. Trong đó, có 7 dự án đầu tư mở rộng (2 dự án trong nước 5 dự án FDI) với số vốn đăng ký tăng thêm 92,05 tỷ đồng và 3,92 triệu USD.

Số doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động đạt 238 doanh nghiệp, giảm 12,18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 190 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 37,3% kế hoạch năm với số vốn đăng ký là 2.801 tỷ đồng; phát triển mới 7 hợp tác xã (đạt 50% kế hoạch).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như các cân đối lớn của kinh tế cơ bản ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn do tác động của tình hình thế giới. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất còn khó khăn, phục hồi chậm, nhu cầu vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh thấp dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, chưa khai thác được thị trường xuất khẩu mới. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nở cho biết thêm, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung các giải pháp để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu các biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Thúy Ái
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm